 |
|
Nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng
|
|
Lịch sử và truyền thống của ngôi trường THPT mang tên nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng trên mảnh đất xứ Nghệ là những cột mốc đáng ghi nhớ, những thăng trầm trong khó khăn gian khổ và niềm tự hào tỏa sáng của sự nghiệp trồng người.
Những năm đầu thế kỷ 20, thời vua Thành Thái, triều đình nhà Nguyễn ở Trung Nam Bộ chỉ có một trường Quốc học được thành lập ở Huế. Sinh đồ xứ Nghệ cũng như nhiều miền quê khác phải khăn gói vào Huế theo học. Năm 1920, theo nghị định của Khâm sứ Trung kỳ dành cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, trường Quốc học Vinh được thành lập. Năm học đầu tiên 1920-1921 chỉ vẻn vẹn 37 học sinh. Nhưng những thành tích mà lớp học sinh ngày ấy đạt được đã trở thành niềm tự hào khôn xiết của nhiều thế hệ thầy trò trường Quốc Học Vinh - Huỳnh thúc Kháng sau này.
Ngay từ khi mới thành lập, Trường Quốc học Vinh đã trở thành vườn ươm mầm giống cách mạng. Tuy bị kiểm soát nghiêm ngặt để thực hiện mục đích đào tạo đội ngũ viên chức phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp nhưng các thầy cô giáo vẫn tìm cách khơi dậy lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc trong học sinh. Trong những năm đầu tiên ấy, trường Quốc học Vinh có người thầy giáo Lê Thước thường tận dụng những giờ dạy Việt văn và Lịch sử để nhen nhóm và bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước. Thầy luôn nhắc nhở “làm người phải yêu nước, yêu nước thì phải yêu quốc văn, yêu lịch sử nước nhà”. Chính vì vậy mà nhà trường trở thành một trong những cái nôi cách mạng đầu tiên thời kỳ chưa có Đảng.
Ngày 14 tháng 7 năm 1925, tại núi Quyết bên dòng sông Lam, cùng với các vị tiền bối cách mạng, các học sinh trường Quốc học Vinh như Lê Văn Hân, Tôn Quang Phiệt,... lập nên tổ chức tiền thân của Đảng Tân Việt. Từ đó phong trào của học sinh Quốc học Vinh hòa vào dòng thác đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy. Cũng tại ngôi trường này, được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chi bộ Đông dương Cộng sản đảng Quốc học Vinh được thành lập tháng 6/1929. Lá cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên tung bay trên mái trường Quốc học Vinh. Chính từ những lời dạy giản dị nhưng căng đầy nhiệt huyết cứu nước của các thầy giáo mà từ mái trường Quốc học Vinh nhiều thế hệ học sinh đã tham gia phong trào cách mạng và trở thành cán bộ nòng cốt của Đảng như: Nguyễn Sỹ Sách, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Trung Thiên...
Cách mạng tháng Tám thành công đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho lịch sử nước nhà. Từ đây, Trường Quốc học Vinh cũng bước sang trang mới… Lúc này, Trường Quốc học Vinh đã mang tên trường Trung học Nguyễn Công Trứ. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, trường được lệnh tản cư lên Nam Đàn.. Trong khói lửa của chiến tranh, được nhân dân địa phương đùm bọc, che chở, thầy và trò trường Trung học Nguyễn Công Trứ vừa thi đua dạy tốt, học tốt vừa tham gia tuyển quân, hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
 |
Đồng chí Trần Văn Hằng - UVTW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An trao bằng Đơn vị Anh hùng Lao động cho trường THPT Huỳnh Thúc Kháng |
Năm 1950, thực hiện chủ trương cải cách Giáo dục, Sở giáo dục Liên khu 4 quyết định nhập Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng với Trường trung học Nguyễn Công Trứ thành trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Thời gian này cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học, trường chuyển về xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Lúc này, ngoài số học sinh Nghệ Tĩnh còn có một số học sinh là con em Bình Trị Thiên vượt tuyến ra theo học. Đây là gian đoạn khó khăn gian khổ nhất về đời sống, về điều kiện học tập, nhưng lại là thời kỳ thể hiện cao nhất sự gắn bó máu thịt giữa nhà trường với nhân dân, tình yêu thương, sự đùm bọc giữa thầy và trò. Để rồi trong trái tim những người học trò năm nào, giờ đây vẫn còn nguyên những hồi ức, những tình cảm rất đáng trân trọng dành cho nhân dân Bạch Ngọc và các thầy cô giáo của trường hồi đó.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, phát huy thành tích của phong trào thi đua “Hai tốt” trường Phổ thống cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng đã đạt đến đỉnh cao thi đua của cả miền Bắc về thành tích trong giảng dạy và học tập. Năm 1955, trường từ Bạch Ngọc chuyển về Vinh. Dù phải di chuyển về địa điểm mới, cơ sở vật chất chưa có gì nhưng thầy cô giáo và học sinh nhà trường vẫn vươn lên tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học. Lúc này, Trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng là một trong những trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao nhất miền Bắc.
 |
Công trình chào mừng kỷ niệm 90 năm trường THPT Huỳnh Thúc Kháng |
Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, thành phố Vinh trở thành trọng điểm ném bom của không quân Mỹ. Nhiều nhà máy xí nghiệp, trường học bị phá huỷ. Một lần nữa, thầy và trò Trường Huỳnh Thúc Kháng lại phải đối mặt với biết bao gian khó hiểm nguy, sơ tán đến nhiều vùng quê khác như: Hưng Đông- Hưng Tây - huyện Hưng Nguyên, nông truờng 1-5 NghÜa ®µn ; Thành Hà - Thanh Chương,... Gần chục năm trong hoàn cảnh trường lớp tạm bợ, vừa dạy học vừa sẵn sàng chiến đấu, mái trường Huỳnh Thúc Kháng vẫn tiếp bước ngọn lửa truyền thống, hun đúc tinh thần hiếu học và lòng căm thù giặc sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Rất nhiều các thế hệ học sinh thời đó chưa kịp rời ghế nhà trờng đã “xếp bút nghiên, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc kêu gọi”.
Người ra đi... người ở lại, ngày ấy ... bây giờ... Người còn người mất... nhưng những kỷ niệm về một thời đạn bom ác liệt mãi không bao giờ phai nhòa trong ký ức của mỗi một học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng Từ những mảnh bom Mỹ sát hại tuổi thơ của Nguyễn Văn Bình cho đến bút tích lá thư đầy tình cảm của em gái Trần Thị Hỷ tâm sự với thầy giáo cũ... Tất cả, vẫn được lưu giữ như là chứng tích về một quá khứ hào hùng mà biết bao thế hệ học sinh anh dũng của ngôi trường đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đó cũng là những bài học quý giá để lớp lớp thế hệ học sinh và thầy cô giáo Trường PTTH Huỳnh thúc Kháng tự hào vươn lên để phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo đến đỉnh cao.
 |
Hội diễn VNDG của trường |
Chín mươi năm gắn bó với những thăng trầm của lịch sử đất nước quê hương Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vẫn luôn là mái trường có bề dày truyền thống dạy tốt học tốt dẫn đầu trên mảnh đất nổi tiếng hiếu học của Xứ Nghệ...Gần 5 vạn học sinh rời mái trường yêu dấu với niềm tự hào và niềm tin tỏa sáng. Họ bước vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp sức mình xây dựng đất nước, quê hương. Họ trở thành những nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà quân sự và những nhà giáo được nhân dân kính trọng, tin yêu.
Biết bao thế hệ học trò thường tự hào nhắc đến tên tuổi các học sinh giỏi xứ Nghệ. Các anh là những chiến sỹ cách mạng kiên trung như Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Giáp, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu...các anh hùng lao động như Hoàng Đình Cầu, Trần Tuấn Thanh,... rồi nhiều sỹ quan cấp tướng trong quân đội nhân dân Việt Nam và các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như Nguyễn Côn, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Mạnh Cầm, Trương Đình Tuyển, Hồ Tế, Nguyễn Đình Lộc, Đỗ Trình, Nguyễn Quốc Thước...
Trường Huỳnh Thúc Kháng còn là cái nôi của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu Việt Nam như: Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Cảnh Toàn, Hà Huy Khoái, Hà Học Trạc, Đào Vọng Đức, Bạch Hưng Khang,... Rồi hàng trăm người đã trở thành các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Bùi Vợi, Trọng Bằng, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ... Nhắc lại những tên tuổi ấy, không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ học sinh Huỳnh Thúc Kháng mà đó còn là những kỷ niệm sâu sắc của tình thầy trò, một thời và mãi mãi.
 |
Học sinh dưới mái trường Huỳnh Thúc Kháng hôm nay |
Bởi chăm chút cho nhiều thế hệ học sinh bằng cả tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm nên các thế hệ thầy cô giáo nhà trường đã giáo dục, bồi dưỡng cho cuộc đời những con người đẹp về tâm hồn, sáng về trí tuệ, khỏe về thể chất để đóng góp, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Nhiều thế hệ thầy cô giáo của trường đã gìn giữ ngọn lửa thiêng của hôm qua, đốt bùng lên trong hôm nay và rọi sáng tâm hồn các thế hệ học sinh thân yêu. Nhiều thầy cô giáo đã được phong tặng danh hiệu cao quý như nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân... Đó cũng chính là điểm tựa để những người học trò cũ từ mái trường này đã thành danh, khi trở về vẫn thầm tự hào với truyền thống và sự kế thừa của lớp học trò hôm nay.