Ngày 27/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có cuộc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH 14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại thành phố Vinh.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 trên địa bàn Thành phố được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đúng lộ trình, sẵn sàng cho thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong giai đoạn tiếp theo.
UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên các lĩnh vực: xây dựng bồi dưỡng đội ngũ, bổ sung sắp xếp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
Đồng chí Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Thành phố quan tâm, linh hoạt trong bố trí, sử dụng nguồn giáo viên hiện có để đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Theo đánh giá của thành phố Vinh, giai đoạn đầu của lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 trên địa bàn đã được thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo các phòng, ban của thành phố Vinh tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh phản ánh: Khó khăn trong thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh là thiếu giáo viên; cơ sở vật chất còn chắp vá; tỷ lệ giáo viên đứng lớp còn bất cập; thiếu giáo viên trong khi sỹ số học sinh/lớp quá quy định.
“Các mục tiêu đổi mới của ngành giáo dục cần rà soát các điều kiện đảm bảo để thực hiện, không nên vừa làm vừa hoàn thiện; đề nghị Quốc hội giám sát việc chi ngân sách cho ngành Giáo dục. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ chế đối với thành phố Vinh hoặc vùng đô thị về quy định mức thu tối đa theo Nghị quyết 34 của HĐND tỉnh. Cùng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giảm tải chương trình để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng giáo dục. Đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục thành phố và các địa phương” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Thị Cẩm Tú đề xuất.
Đồng chí Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị thành phố Vinh làm rõ bất cập trong các văn bản pháp luật, khó khăn trong việc lựa chọn, chất lượng của các bộ sách, căn cứ lựa chọn sách giáo khoa; tỷ lệ giáo viên đứng lớp; sỹ số học sinh vượt quá quy định; môn học tiếng dân tộc thiểu số có cần thiết với các trường khu vực thành phố; việc thực hiện tích hợp các môn học; thừa, thiếu cục bộ giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục mới..
Đoàn giám sát tại Trường Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Lê |
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhấn mạnh đổi mới chương trình giáo phổ thông là xu thế tất yếu, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, giáo viên quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy học. Thành phố Vinh cũng cần quan tâm hơn công tác tập huấn, quan tâm bố trí giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất; quan tâm giáo dục trải nghiệm, giáo dục lịch sử,…
Đoàn giám sát tại Trường Blue Sky. Ảnh: Thanh Lê |
Liên quan đến kiến nghị của thành phố, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Thành phố Vinh có 59 cơ sở giáo dục phổ thông: 30 trường tiểu học (29 trường công lập và 1 trường ngoài công lập); với 1.030 lớp và 40.056 học sinh; 1.586 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 29 trường trung học cơ sở, (24 công trường lập, và 4 trường phổ thông nhiều cấp học ngoài công lập); với 556 lớp và 23.674 học sinh; 1.029 cán bộ, giáo viên, nhân viên.