Tiền cũ nhập về kho ngân hàng phải được phun thuốc khử khuẩn, cách ly một thời gian mới được lưu thông.
Ngân hàng Nhà nước vừa có công điện khẩn gửi yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp chống dịch khi giao dịch tiền mặt như trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, găng tay và bảo hộ cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt.
Các loại tiền cũ khi được nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và lưu giữ một thời gian trước khi chi ra, tùy thuộc vào khả năng cân đối. Căn cứ tình hình tiền mặt trên địa bàn, các đơn vị có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho tiền để cung ứng cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp tiền mới không đủ thì sử dụng tiền đã được khử khuẩn tại kho và báo cáo Ngân hàng Nhà nước những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Các tổ chức tín dụng được yêu cầu khử trùng, vệ sinh thường xuyên các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy ATM. Các đơn vị cũng phải có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt thu về trước khi nhập kho hoặc trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước.
Hàng loạt quốc gia khác trên thế giới cũng có những biện pháp tương tự khi yêu cầu cách ly, khử khuẩn tiền giấy và thúc đẩy thanh toán điện tử để tránh lây lan dịch bệnh.
Ngày 6/3, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết sẽ cách ly tiền giấy đang lưu thông trong 2 tuần để khử khuẩn và tiêu hủy bớt. Bảo tàng Louvre của Pháp tuần này cấm thanh toán bằng tiền mặt, trong khi các chi nhánh của Fed trên toàn nước Mỹ cũng cách ly số đôla từ châu Á trong 7 - 10 ngày.
Cũng theo công điện khẩn này, các nhà băng phải hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến. Trong đó, chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét việc tổ chức buổi làm việc với các tổ chức tín dụng, các hiệp hội và doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tùy tình hình dịch để tổ chức đại hội cổ đông, đại hội thành viên phù hợp hoặc xin lùi thời điểm.
Theo VNE