Phong trào khởi nghiệp trong những năm gần đây ở TP Vinh có bước phát triển rõ rệt. Nhiều hoạt động ngày càng đi vào thực chất, tạo sự lan tỏa cao, giúp hàng nghìn thanh niên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cộng đồng và xã hội.
Anh Trần Văn Phúc với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bibi Green
Là một kỹ sư nông nghiệp, Trần Văn Phúc ấp ủ dự án khởi nghiệp xuất phát từ nắm bắt nhu cầu của thị trường, những băn khoăn, trăn trở của người nội trợ trong việc chọn mua thực phẩm, đồ ăn cho gia đình. Trải qua một thời gian nghiên cứu, khảo sát thị trường, tham khảo từ những địa phương khác, năm 2016, Phúc thành lập Công ty Cuộc sống xanh với ngành hàng kinh doanh chính là thực phẩm sạch. Đến nay công ty đã phát triển được 6 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP Vinh, tạo việc làm ổn định cho 85 lao động.
Anh Trần Văn Phúc – Chủ tịch HĐQT Công ty Cuộc sống Xanh chia sẻ: "Thời gian đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn, có những tháng phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng. Với niềm tin vào mơ ước khởi nghiệp, nỗ lực của bản thân, đến nay công ty đã tạo dựng được chỗ đứng đối với khách hàng TP Vinh. Sản phẩm của công ty được người dân tin dùng, lựa chọn".
Còn đối với anh Lê Lương Nguyên với suy nghĩ ở Việt Nam tình trạng thừa thấy thiếu thợ đang diễn ra khá phổ biến, nếu học những ngành khác ngành sản xuất thì rất khó xin việc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh xin đi học nghề cơ khí và được Nhà nước hỗ trợ cho đi lao động ở nước ngoài. Có chút vốn trong tay, anh về nước và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp bằng ngành nghề đã học. Năm 2013, Công ty TNHH Strongplus Alevator được thành lập với ngành nghề chính chuyên sản xuất phụ kiện, linh kiện cầu thang máy.
Anh Lê Lương Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Strongplus Alevator nói: "Được chính quyền địa phương tạo điều kiện trong bước đường khởi nghiệp như cho thuê đất, xây dựng nhà máy. Những ngày đầu mới thành lập, hơn 1 tháng mới xuất được 1 công ten nơ đi Hàn Quốc. Nhưng đến bây giờ mỗi tháng từ 4 – 5 công ten nơ với trên 100 tấn sản phẩm xuất đi nước ngoài".
Anh Lê Nguyên Lương hướng dẫn công nhân trong việc chế tạo sản phẩm
Trong những năm qua, TP Vinh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó tạo điều kiện, góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và không ngừng phát triển. Hưởng ứng và thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia, trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã có những ý tưởng sáng tạo, hình thành các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực. Để tạo môi trường khởi nghiệp cho các bạn trẻ, thành phố đang nghiên cứu tiến tới xây dựng Vinh trở thành trung tâm khởi nghiệp theo hướng đổi mới, sáng tạo. Qua đó, tạo môi trường phát triển định hướng cho các ý tưởng khởi nghiệp, hình thành các khu vườn ươm tạo phát triển công nghệ, không gian làm việc chung, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố ngày càng phát triển.
Ông Trần Quang Lâm – Trưởng phòng Kinh tế TP Vinh cho biết: "Lãnh đạo thành phố rất quan tâm để chỉ đạo từng bước nghiên cứu và định hình được chương trình khởi nghiệp quốc gia. Thành phố có tiềm năng lợi thế lớn, hiện nay đã từng bước hình thành các ngành kinh tế mang yếu tố vùng của vùng Bắc trung bộ. Trên địa bàn thành phố có hơn 6.300 doanh nghiệp và 21.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã khẳng định được vị thế của mình trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là nền tảng để thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với tỉnh để hình thành, xây dựng Vinh trở thành trung tâm khởi nghiệp".
Với mục tiêu xây dựng Vinh trở thành trung tâm khởi nghiệp là một trong những hướng đi mới, qua đó tạo dựng được văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Đây cũng sẽ là động lực để các doanh nghiệp trên địa bàn TP Vinh không ngừng đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Võ Huyền/VRTV