Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề tiền lương đã có những phân tích về vấn đề này.
PV: Thưa ông, đề án cải cách tiền lương lần này có điểm gì đáng chú ý so với những lần trước đây?
Ông Phạm Minh Huân: Đây là đề án quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Điểm mới trong đề án này là tiếp tục xác định xây dựng hệ thống tiền lương theo kinh tế thị trường, tuân thủ quy luật giá trị, cung cầu.
Thứ 2, tiền lương phải trở thành nguồn thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho những người làm công ăn lương. Quan điểm này chúng ta đã nói nhiều lần trước đây, nhưng chưa làm được nhiều. Tôi cho rằng, khi tiền lương đủ sống thì xã hội sẽ bình đẳng, năng suất lao động sẽ cao hơn.
Thứ 3, Trung ương cũng xác định khi cải cách tiền lương, cần tiến hành sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế. Có thể nói đây là việc rất mới, thể hiện sự quyết tâm cao để bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả. Bản thân đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy phải có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu hoàn thành nhiệm vụ phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thứ 4, trong hệ thống các nội dung của chính sách sẽ sắp xếp lại các loại phụ cấp, thiết kế lại hệ thống lương cho đơn giản hơn.
Về cơ chế trả lương trong khu vực công, trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống biên chế, tiến hành đánh giá, giao quyền tự chủ cho những người đứng đầu, tiến tới việc trả lương theo chức danh, chức vụ, công việc.
Điểm nữa được nhấn mạnh trong đề án này là tiền lương khu vực công được tính tương quan với doanh nghiệp, hướng đến dần tăng lương ở khu vực công.
PV: Đề án cải cách tiền lương đang thảo luận dự kiến sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới tính theo lương tuyệt đối, thay vì nhân hệ số như hiện nay. Điều này được hiểu thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Minh Huân: Nếu nhìn vào quá trình cải cách lương, ta có thể thấy, trước năm 1993, lương được tính theo mức tuyệt đối, tuy nhiên giai đoạn 1985-1993, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, chỉ số lạm phát, chỉ số giá tăng liên tục. Dó đó, tiền lương cũng tăng theo. Khi đó, chúng ta rơi vào vòng quay lương tăng dẫn đến giá tăng, giá tăng, lương lại tăng. Khi đó, các nhà chuyên môn nghĩ rằng, cần quy định lương theo hệ số.
Nhưng đến nay, tình hình kinh tế xã hội ổn định hơn, các cơ sở quay lại quy định mức lương tuyệt đối thay vì hệ số là hợp lý. VD lương cố định của bác sỹ là 5 hay 7 triệu/ tháng. Đây là điểm mới, nhưng thực chất, chúng ta đang quay lại với thiết kế trước đây.
Thứ 2 là lương theo chức vụ. Trước năm 1993, chúng ta đã thiết kế lương theo chức vụ, song vấn đề đặt ra là ông Vụ trưởng khi đương chức, hưởng lương Vụ trưởng, nhưng khi xuống chuyên viên, vẫn được hưởng lương này. Như vậy các nhà chuyên môn nghĩ rằng cần có 2 phần, một là chuyên môn, hai là trách nhiệm, chức vụ. Như vậy, người này sẽ hưởng lương chuyên môn và trợ cấp chức vụ. Khi ông không làm chức vụ đó, sẽ mất lương chức vụ. Nhưng cách này cũng dẫn đến chuyện việc cùng chức vụ lại có nhiều mức lương khác nhau.
Rõ ràng, những người mới lên, lương chuyên môn ở ngạch chính, những người lâu năm lương chuyên môn ở ngạch cao cấp. Từ đó vi phạm nguyên tắc cùng chức vụ nhưng mức lương khác nhau.
Như vậy, hiện nay chúng ta đang quay lại thiết kế để làm sao đơn giản hóa thang bảng lương.
PV: Hiện nay đa số công chức “kêu” không thể sống bằng lương, vậy việc cải cách để lương có thể đảm bảo đời sống của người lao động liệu có khả thi?
Ông Phạm Minh Huân: Đây là mục tiêu đúng, tuy nhiên, việc có đạt được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm. Trong đề án, có đề cập tới quyết tâm chính trị và sự kiên trì. Trong điều kiện kinh tế của đất nước, khi sự phát triển vẫn ở một mức độ nhất định, cải cách tiền lương phải có một quá trình, lộ trình cụ thể, không thể nói là làm ngay được. Nhưng quá trình đó phải tiến đến mục tiêu là người làm công ăn lương phải sống được bằng lương.
PV: Trong đề án xác định, từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của khu vực công phải đảm bảo không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Chúng ta có thể thực hiện không khi tiền lương tối thiểu ở 2 khu vực đang là 1,39 và 2,8 triệu?
Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, mức lương cơ sở trong khu vực công mới chỉ bằng khoảng 50% mức lương tối thiểu thấp nhất. Việc đưa ra mốc đến năm 2021 sẽ thực hiện mức lương thấp nhất khu vực công bằng với mức lương thấp nhất của khu vực thị trường là một quyết tâm rất lớn.
Nếu thực sự quyết tâm, chúng ta cũng có thể làm được nhưng phải trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy để giảm số đối tượng hưởng lương từ ngân sách.
PV: Là một chuyên gia về tiền lương, theo ông, chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa các mục tiêu về cải cách tiền lương?
Ông Phạm Minh Huân: Nhiều lần tôi từng nói rằng, lương trong khu vực công chức chỉ đảm bảo được ở mức trung bình khá, còn nếu muốn lương cao thì phải sang khối doanh nghiệp.
Lương trong khu vực công lấy từ ngân sách. Mà ngân sách, bản chất lấy từ thuế của dân. Bài toán đặt ra là làm sao để cân đối các nguồn lực quốc gia trong cơ cấu ngân sách gồm các phần đầu tư, trả nợ, phần chi thường xuyên, phần dự phòng… Đồng thời cần có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP. Trên cơ sở sản xuất hiệu quả sẽ tăng nguồn thu ngân sách.
Đầu tư cho phát triển là cơ sở quan trọng nhất để tăng thu. Bên cạnh đó, cần thực hiện tiết kiệm chi, bỏ những khoản chi không hợp lý để tập trung nguồn cho việc cải cách chính sách tiền lương.
Đặc biệt, nếu Trung ương muốn tạo ra đột phá, nhưng lại không tinh giản biên chế, giữ nguyên đối tượng hưởng lương trong ngân sách, không đánh giá, phân loại, gắn tiền lương với công việc, thì việc cải cách tiền lương không có nhiều ý nghĩa.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nguồn: VOV