Các đánh giá độc lập về kết quả học tập ở các lớp học của Việt Nam cũng cho thấy thứ hạng của Việt Nam ở PISA không đơn thuần phản ánh kỹ năng làm bài kiểm tra tốt hay một nền giáo dục chỉ giỏi về lý thuyết.
Học sinh Việt Nam, gồm các học sinh 15 tuổi, tham gia kỳ thi này lần đầu tiên vào năm 2012 và được xếp thứ 17 về môn Toán, thứ 8 về môn Khoa học, và thứ 19 về Kỹ năng đọc trong số 65 quốc gia tham dự, trên mức trung bình của các nước OECD.
Ở thời điểm mà các quốc gia phương Tây đang cố gắng tái hiện lại thành công về giáo dục của các nước Đông Á, Việt Nam đã được xếp hạng cao hơn so với Mỹ, Úc và Anh. Với thành tích như vậy, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ cho lý lẽ rằng thành tích giáo dục xuất sắc là không thể nếu không có mức độ phát triển kinh tế cao.Điều này càng bất ngờ hơn nếu biết rằng Việt Nam vẫn đang đối mặt với vô số vấn đề như các nước đang phát triển khác.
Thành tích của Việt Nam ở PISA càng tuyệt vời khi chúng ta xem xét tới thành tích của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo ông Andreas Schleicher từ tổ chức OECD, “khoảng 17% các học sinh nghèo nhất ở độ tuổi 15 của Việt Nam nằm trong số 25% học sinh có thành tích cao nhất trong số các quốc gia và nền kinh tế tham gia bài kiểm tra PISA. Khi so sánh điểm trung bình của các nước OECD với nhau thì chỉ có 6% học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt mức trên”.
Kết quả này cũng tương tự với những phân tích sơ bộ của chúng tôi dựa vào số liệu của PISA. Khi chúng ta làm một phép so sánh “like-for-like” (giả định rằng các chênh lệch về nền tảng kinh tế - xã hội là không đổi), học sinh Việt Nam đạt kết quả tốt như học sinh Hàn Quốc. Nói cách khác, nếu chúng ta san bằng các điều kiện kinh tế xã hội của học sinh hai nước, Việt Nam còn đạt kết quả cao hơn ở PISA.
Chìa khóa thành công trong giáo dục: Đầu tư, đổi mới, học hỏi
"Thành công của Việt Nam là nhờ các quan chức chính phủ có suy nghĩ chu đáo, một chương trình giảng dạy tập trung và các giáo viên được đầu tư nhiều hơn, có vị thế xã hội cao hơn" - Ông Schleicher - Điều phối viên cuộc thi PISA
Một vài nhà bình luận nhận thấy rằng đầu tư hàng năm của chính phủ vào giáo dục là một yếu tố quan trọng trong thành công của Việt Nam - nước này đầu tư 21% chi ngân sách vào giáo dục, cao hơn bất kì quốc gia OECD nào.
Tuy nhiên, mức đầu tư tài chính tương tự không phải lúc nào cũng đem đến một kết quả tương đương ở đâu đó trong khu vực. Một trong những quốc gia láng giềng của Việt Nam - Malaysia - đã tụt xa trong cuộc thi PISA, bất chấp hàng thập kỷ đầu tư lớn cho giáo dục. Có thể nói, thành tích của Malaysia cũng đang trên đà đi xuống ở các cuộc thi quốc tế khác.
Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Việt Nam về giáo dục không phải nhờ tài nguyên. Thay vào đó, lời giải thích là sự lựa chọn chính sách giao dục cẩn thận, cam kết chính trị và tập thể nhà lãnh đạo.
Trong một bài bình luận đăng trên BBC, ông Schleicher - Điều phối viên cuộc thi PISA - cho rằng thành công của Việt Nam là nhờ các quan chức chính phủ có suy nghĩ chu đáo, một chương trình giảng dạy tập trung và các giáo viên được đầu tư nhiều hơn, có vị thế xã hội cao hơn.
Ông cũng tập trung chú ý vào chương trình giảng dạy của Việt Nam, đã được thiết kế lại để giúp học sinh hiểu sâu các khái niệm cốt lõi và nắm vững những kỹ năng quan trọng, trái ngược với “chương trình dàn trải nhưng thiếu chiều sâu” của các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ.
Dạy học là một nghề cao quý ở Việt Nam và các giáo viên Toán, đặc biệt giáo viên Toán làm việc ở các trường còn khó khăn, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn mức trung bình ở các nước OECD.
Giáo viên Việt Nam có khả năng xây dựng một môi trường học tập tích cực, nuôi dưỡng thái độ học tập tích cực của các học sinh và duy trì kỷ luật trong lớp học.
Theo ông Schleicher, các giáo viên cũng nhận được khuyến khích từ cam kết mạnh mẽ từ phụ huynh và sự kỳ vọng vào con đường học tập của con cái họ, và giá trị xã hội của công việc khó khăn này, của một nền giáo dục tốt.
Những quan điểm này cũng được chia sẻ bởi Christian Bodewig đến từ World Bank - người cũng bình luận về phẩm chất giáo viên, phẩm chất chuyên môn và kỷ luật trong các lớp học Việt Nam.
Javier Luque - đến từ Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ - cũng có những lời tán thành với những đánh giá của Schleicher. Sau khi xem xét các bảng câu hỏi PISA, đã được đưa tới tay hiệu trưởng các trường, Luque đã nhấn mạnh 2 yếu tố bổ sung.
Đầu tiên, tất cả các trường ở Việt Nam đều có hoạt động học thêm. Ví dụ, 95% hiệu trưởng các trường nói rằng trường của họ có những lớp học thêm môn Toán, mức cao thứ 3 trong các nước tham gia khảo sát.
Thứ hai, các phụ huynh đặt kỳ vọng rất cao vào giáo dục ở trường đại học. Trong số 65 quốc gia tham gia PISA, Việt Nam xếp thứ 8 về mức độ kỳ vọng của phụ huynh, phản ánh mức độ cam kết và khát vọng cao của phụ huynh vào con đường học tập của con em họ.
Các học sinh cũng coi trọng việc có kiến thức tốt - 94% học sinh đồng ý với phát biểu trong khảo sát PISA rằng “Rất nên cố gắng học Toán, vì nó sẽ giúp chúng ta làm tốt công việc mơ ước của mình trong tương lai”.
Điều này hàm ý rằng sự thành công của Việt Nam có sự liên quan lớn đến những giá trị và ảnh hưởng to lớn của Nho giáo ở quốc gia này. Các bậc phụ huynh của Việt Nam đánh giá cao và đầu tư nhiều vào giáo dục cả trong và ngoài nước.
Minh chứng cho điều này là ở Mỹ, Việt Nam xếp thứ 8 trong số các quốc gia có học sinh tham gia giáo dục hậu trung học. Khát vọng cho con cái mình được giáo dục tốt có thể là lý do chính cho thành tích cao của học sinh Việt Nam ở PISA, đền đáp lại sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào giáo dục.
Ngày nay, lợi thế của văn hóa coi trọng giáo dục được nhiều người cho là chìa khóa cho sự thành công của trẻ em của các gia đình gốc Á ở Mỹ, tạo ra cái gọi là "Lợi thế của người Mỹ gốc Á".
VIỆT NAM - NGỌN LỬA CỦA SỰ HY VỌNG
Chúng ta vẫn sẽ phải bàn cãi về vấn đề, chính xác thì cái gì đã thúc đẩy những thành công của Việt Nam tại PISA. Nhưng bất kể nguyên nhân là gì, thành công này là rất đáng kể - Việt Nam là ngọn lửa cho sự hy vọng và nên được các nhà làm chính sách của các quốc gia láng giềng nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đặc biệt 3 quốc gia ASEAN Malaysia, Indonesia và Thái Lan hiện vẫn kẹt ở tốp cuối trong số những quốc gia tham gia PISA qua các năm.
Bài học quan trọng từ Việt Nam là đầu tư ngân sách cao sẽ không giúp các quốc gia trên thoát khỏi đáy bảng xếp hạng nếu không có đổi mới về chính sách và tinh thần học hỏi từ quốc gia khác.