Đó là những lớp luyện thi TOEIC, IELTS của 2 giáo viên tổ chức ở nhiều địa điểm với hàng ngàn lượt học viên theo học mỗi tuần.
Một lớp luyện thi TOEIC, IELTS của giáo viên Đình Long - Ảnh: Mỹ Quyên
|
Quảng bá trên mạng xã hội
Trên trang Facebook Ielts Đình Long, thông tin về các khóa học tiếng Anh do giáo viên này tổ chức được cập nhật thường xuyên, thu hút hơn 30.000 người theo dõi.
Học viên có thể học thử tuần đầu miễn phí, sau đó học chính thức mới đóng học phí. Mỗi tháng có 2 lớp được mở, gồm lớp cơ bản dành cho người chưa biết, chưa tiếp xúc với IELTS, học vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu trong vòng 2 tháng với học phí 6 triệu đồng. Lớp nâng cao học phí 8 triệu đồng/khóa 2 tháng. Một bí quyết khiến các lớp học này thu hút nhiều học viên là thầy Đình Long sẽ “ôn theo bộ đề bao trúng”, “đoán đề trúng đều”, “hỗ trợ xin học bổng và visa Mỹ, Canada, Úc bao đậu 100% dù trước đó đã rớt nhiều lần”… Địa điểm học là Trường trung cấp nghề Công nghệ Bách khoa.
Tương tự, trên Facebook của giáo viên Huy Trịnh cũng quảng bá rất bài bản về các khóa học. Ở mỗi khóa học, tháng đầu học viên đóng 600.000 đồng, từ tháng thứ 2 trở đi được giảm 50.000 đồng. Giáo viên này tổ chức dạy ở 3 cơ sở: Trường trung cấp nghề Việt Giao, Trung cấp nghề Công nghệ Bách khoa và THPT Nguyễn Khuyến.
Có mặt tại Trường trung cấp Công nghệ Bách khoa, nơi 2 giáo viên tổ chức các lớp tiếng Anh vào tối 24.9, chúng tôi thấy rất đông học viên. Tại khu vực của giáo viên Huy Trịnh có một nhân viên ngồi bên ngoài để ghi danh. Theo nhân viên này thì thời điểm đó đang có 2 lớp, mỗi lớp khoảng 30 - 40 người. Khu vực của giáo viên Đình Long có 2 lớp đang học, một lớp khoảng hơn 80 học viên, một lớp hơn 20 học viên.
Một nhân viên giữ xe tại trường cho biết: “Các buổi hai, tư, sáu rất đông, mỗi tối có đến khoảng 300 người gửi xe đi học”.
Hoàn toàn chưa cấp phép
Liên lạc với giáo viên Huy Trịnh, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tôi chỉ là người đi dạy, đi làm thuê. Muốn biết thông tin gì thì cứ liên hệ với các trường ở trên”. Giáo viên Đình Long cũng cho hay: “Người chịu trách nhiệm pháp lý trong việc này không phải là mình, mà mình chỉ đứng lớp. Nhưng bên mình đã có giấy phép của Sở KH-ĐT, Sở GD-ĐT rồi. Đợi mình liên lạc lại với người chịu trách nhiệm pháp lý của công ty rồi sẽ cung cấp thông tin sau”.
Theo ông Nguyễn Trọng Trung, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Công nghệ Bách khoa, trường chỉ cho những giáo viên này thuê phòng. “Việc cho thuê này diễn ra từ trước khi tôi về. Tôi có xem hợp đồng thì tháng 11 này sẽ hết hạn. Nếu họ dạy mà chưa xin phép thì chắc chắn tôi sẽ không tiếp tục cho thuê nữa”, ông Trung cho hay.
Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Việt Giao, cũng nói giáo viên Huy Trịnh thuê phòng học của trường để dạy chứ trường không phối hợp đào tạo.
Tuy nhiên, theo quy định, dù là thuê phòng để dạy thì phía đơn vị cho thuê cũng phải xem xét hoạt động của người thuê đã được cấp phép hay chưa.
Về phía Sở GD-ĐT, nơi cấp phép các hoạt động về giảng dạy ngoại ngữ, tin học, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, khẳng định: “Các hoạt động dạy ngoại ngữ ở những cơ sở nêu trên đến thời điểm này đều chưa được cấp phép. Dù là giáo viên mở lớp dạy kèm cũng phải xin phép. Mở nhiều lớp thường xuyên như vậy, lại thu hút hàng ngàn lượt học viên, thì giống như hoạt động của một trung tâm ngoại ngữ rồi. Chúng tôi sẽ lập tức xuống kiểm tra và xử lý”.
Nguồn: Mỹ Duyên (Báo Thanh Niên)