Chợ rau xanh thành Vinh bắt đầu từ khoảng 2 giờ sang canh. Nhưng từ 10h đêm hôm trước, chợ đã rộn rã, lao xao tiếng chào mời.
|
Ngõ khu phố 2 (Hồng Sơn), tấp nập xe cộ, người mua bán lại qua lúc 2 giờ sáng. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục tấn hành tỏi, bí, cà chua được trao đổi. |
|
Những người bán lẻ ở đường Hồng Sơn đã bày bán, trao đổi rau quả với các hộ bán lẻ. |
|
Ở đây, mỗi kg khế chua chỉ có giá 1,5 ngàn đồng. |
Thanh âm mua bán là điều dễ nghe nhất ở đây. Bởi, mỗi lạng rau sống, cân dưa chuột dường như đã ắt giá giữa nhà vườn với người buôn rồi. Bà Hoàng Thị Vươn (Khối 2 - Phường Hồng Sơn), khoát cái tay bận bịu, chỉ chúng tôi về lối đền Ông lúc 4h15 sáng ngày 30/6 “Rau xanh bán bên nớ cả chú”.
Khi thành phố đã bắt đầu chuyển sang ngày mới, trong yên ả của màn đêm đã gần tan, vẫn có những chợ rau xanh lặng lẽ. Tụ hội về đây là những nông dân ở khu vực ngoại thành tần tảo và lam lũ. Sớm mai khi tan chợ, người trở lại cánh đồng, người rong ruổi bán hàng nơi góc phố. Đã có một thành Vinh lam lũ ban đêm để có những hàng rau xanh non, tươi mới vào mỗi sáng mai rạng rỡ.
|
Đêm dần sáng, chỉ còn ánh đèn pin soi mặt hàng, đếm tiền và tạo nét riêng đặc biệt chỉ chợ xanh mới có. |
|
Tiểu thương "nhỏ" Nguyễn Hoài Như (lớp 11) thay mẹ dậy sớm để đón chè xanh từ Anh Sơn về. |
Hai giờ sáng, chợ bắt đầu rôm rả tiếng mời chào. Người bán, người mua không tỏ mặt nhau nhưng chẳng thấy mấy ai nói thách hay mặc cả. Khách quen nhau qua giọng nói. Tiếng thì thầm, lầm rầm trong lờ mờ ánh đèn đường tan loãng giữa khuya. Chợ đêm đậm nét quê mùa, chân chất, không thấy vẻ xô bồ, cảnh kì kèo thêm bớt. Người đến chợ đêm không đi một mình, thường theo nhóm cùng làng, cùng xã. Đêm dài, đường xa, câu chuyện giữa họ là giống cây, thời tiết, chuyện học hành của con cháu, chuyện làng, chuyện xã... Mỗi người một hoàn cảnh thường là nghèo, lặn lội đến chợ mong đổi mồ hôi, công sức, những giấc ngủ thêm chút ít tiền công.
Dưới ánh đèn chợ vàng vọt, tôi thấy mấy chị buôn rau đang quây quanh xe hành của bác Trung ở Hưng Đông (TP Vinh) để ngã giá. Từ 9 giờ tối bác dùng chiếc xe máy cũ tiếng nổ phành phạch thồ gần một tạ hành hoa tươi về Vinh bán. Nhà bác trồng ba sào, mỗi sào cho thu hoạch khoảng sáu tạ hành, gom góp, chắt chiu tiền nuôi hai đứa con ăn học.
Anh Minh ở Nam Anh (Nam Đàn) lúc lỉu thồ hơn một tạ cà chua mua gom ở nhà lên đây bán nói rằng mỗi đêm lãi khoảng 100.000 đồng. Có lần gặp người bị tai nạn giao thông, anh xăng xái đưa nạn nhân đến bệnh viện, bỏ buổi chợ, để sau đó phải thồ nguyên xe cà chua đi bán dạo. Anh nhiệt tình, xốc vác giúp mọi người công việc nặng nhọc. Nghề trồng rau vốn bấp bênh, được mùa vừa mừng vừa lo, thu hoạch xong tiêu thụ rất khó.
|
Bình minh bắt đầu lên trên những con phố phía đền Hồng Sơn. |
|
Phía bên đường khu phố 2, các hộ tiểu thương như nhà chị Trần Thị Lý đã thức dậy từ lâu, chuẩn bị đóng gói măng chua xứ Nghệ cho khách đi các tỉnh xa. |
|
Chị Mai Thị Lương, tiểu thương chợ xép phía kênh Bắc, mua ít dứa Quỳ Hợp về bán lại. |
Ở chợ rau đêm, người mua rau để bán lại chủ yếu là những người ngày ngày có mặt ở các khu phố, ngõ chợ. Phương tiện rong ruổi đường trường là chiếc xe đạp cũ cọc cạch, tróc màu sơn. Gặp nhau ở chợ đêm, các chị đon đả, hỏi han nhau, cười nói xởi lởi khác hẳn vẻ ngày thường trông lầm lũi khi người ở phố mua hàng đỏng đảnh chê bai. Những vệt đèn pin loang loáng cùng với tiếng cười nói lao xao. Nếu như người nông dân có rau quả mang bán phải vất vả mệt nhọc, thì với những tư thương buôn bán lẻ, nhỏ ở các chợ, ngõ, ngách trong thành phố, cũng phải mưu sinh từ lúc nửa đêm, gà gáy.
|
Dứa chín Nghĩa Đàn đã chất đầy trong sạp nhà anh Nguyễn Quang Nam (khu phố 2 - Hồng Sơn), anh Nam nói, chỉ đầy tròn buổi nắng (khoảng 9 giờ) là các bạn hàng đến mua hết. |
|
Những thức hoa quả vừa từ chợ xanh đêm đã được các bạn hàng đưa ra, mời chào đầu buổi sáng trước cổng chợ Vinh. |
|
Số ít trong nhiều món hoa quả mà chợ xanh đêm nhẫn nại đã có mặt trên mâm quả của người thành Vinh buổi sáng. |
Chợ xanh đêm thành Vinh bao năm nay vẫn vậy. Sớm mai tan chợ, người trở lại cánh đồng, người rong ruổi bắt đầu một ngày kiếm sống nơi những đầu ô, góc phố. Người bán, người mua như gắn bó với nhau hơn mang theo nét hồn quê hồn hậu./.
Trần Hải-Baonghean.vn