Thủ tướng Chính phủ đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động kinh doanh của dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) tại Việt Nam.
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng lệnh "siết" taxi Uber >> Uber bị Hiệp hội vận tải Hà Nội từ chối hợp tác
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Uber hoạt động tại Việt Nam theo Giấy Chứng nhận đầu tư do UBND TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 30/8/2014.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Bộ sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra định kỳ và đột xuất về hoạt động của Uber; trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các Bộ, cơ quan: Tài chính (quản lý về nghĩa vụ thuế, tài chính), Công Thương (quản lý về thương mại điện tử), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quản lý về thanh toán quốc tế) và UBND TP. Hồ Chí Minh (quản lý về cấp giấy chứng nhận đầu tư) nhằm tạo điều kiện cho Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh...
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính đã phủ đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu trên, đồng thời, yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Đối với kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cho Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh biết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép Uber hoạt động tại Việt Nam.
Trước đó, sau khi xuất hiện loại hình hoạt động của taxi Uber (tháng 7/2014), đầu tháng 12/2014, Hiệp hội taxi TPHCM đã phải có văn bản “cầu cứu” Bộ Giao thông vận tải vào cuộc xem xét, làm rõ tính pháp lý của xe Uber như: Xe này có phép chưa, nếu chưa thì có nên cấp phép không? Việc chủ xe tham gia Uber để cung cấp dịch vụ vận chuyển là phù hợp quy định hay không? Việc quản lý, thu thuế như thế nào?...
Ngay sau đó, đến lượt Hiệp Hội vận tải Hà Nội cũng có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị tạm dừng hoạt động của loại hình taxi này.
Mới đây, làm việc với đại diện của Uber, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khuyến khích hoạt động kinh doanh của Uber cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, trước việc đại diện của Uber khẳng định, không kinh doanh vận tải mà chỉ phát triển công nghệ với phần mềm ứng dụng trong kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất hoặc định kỳ của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì cả Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm và phương tiện không được hoạt động.
Xuân Hưng-VN Media |