Lâu nay nghề làm trống ở xã Nghi Đức đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.Qua đó lưu giữ những nét đẹp truyền thống ở làng quê. Tuy nhiên những năm gần đây, nghề làm trống đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu và yếu đầu ra.
Nghề làm trống được Gia đình ông Nguyễn Văn Đức lưu truyền từ 4 đời nay. Bình quân, mỗi năm gia đình ông làm được hơn 50 chiếc trống, mỗi chiếc trống có giá từ 1,5-2,5 triệu đồng. Chủ yếu gia đình ông làm theo đơn đặt hàng. Trống được làm từ gỗ mít- thứ gỗ ít bị mối mọt, mặt trống làm bằng da trâu, da bò. Với nghề này, người dân tranh thủ lúc mùa vụ nông nhàn và huy động được nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia.
Ông Nguyễn Văn Đức - xóm Xuân Đức xã Nghi Đức TP Vinh:
“Chúng tôi phải làm các công đoạn cẩn thận đẻ đảm bảo chất lượng. Làm trống so với các nghề khác thu nhập cũng tạm ổn nếu đầu ra ổn định thì thu nhập cao hơn.”
Trước đây nghề làm trống đã mang lại cho gia đình ông Đức và các hộ dân khác một cuộc sống ổn định. Tuy nhiên những năm gần đây, do thiếu nguyên liệu và đầu ra không ổn định nên nghề làm trống đang ngày càng mai một dần. Trước đây xã Nghi Đức có 3 xóm làm nghề trống gồm xóm Xuân Hoa, Xuân Đông, Xuân Đức với 50 hộ, nhưng hiện nay chỉ còn 9 hộ ở xóm Xuân Đức và xóm Xuân Đông theo nghề làm trống. Những năm gần đây làm trống đã có máy móc hỗ trợ nên làm khá nhanh, nhưng vì đầu ra khó khăn nên người dân cũng chỉ dám sản xuất cầm chừng, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu cũng đang còn hạn chế, nên thu nhập của người lao động làm trống ngày một giảm sút, chỉ đạt khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Bình Triều – Phó chủ tịch UBND xã Nghi Đức TP Vinh:
“Đến nay, các hộ làm trống chỉ còn một số hộ theo nghề, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất kinh doanh và khuyến khích bà con mở rộng nghề để gìn giữ làng có nghề truyền thống của địa phương”.
Để duy trì và phát triển nghề làm trống truyền thống ở vùng đất ngoại ô thành phố, thì rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền hỗ trợ về kỹ thuật, thay đổi về mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm để tạo điều kiện cho bà con nông dân xã Nghi Đức phát triển kinh tế, góp phần giữ vững nghề truyền thống của địa phương.
Hoàng Loan