Nhằm tạo môi trường công khai, lành mạnh để thúc đẩy hiệu quả công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), vừa qua, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An đã công khai các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động XKLĐ. Động thái này đã mang lại sự lạc quan, phấn khởi cho người dân và các cấp chính quyền.
Bình quân mỗi năm, Nghệ An đưa được từ 11.000 - 12.000 người lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước trên thế giới (chiếm trên 1/3 số lao động được giải quyết việc làm hàng năm), đưa tổng số lao động Nghệ An đang làm việc tại các nước lên hơn 55.000 người. Thị trường nước ngoài của lao động Nghệ An tập trung chủ yếu ở các nước như: Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… Lượng ngoại tệ do người lao động đi XKLĐ chuyển về hàng năm đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Trong đó, gửi về qua các ngân hàng thương mại trong tỉnh trên 110 triệu USD/năm và do lao động trực tiếp mang về hoặc bằng các con đường khác khoảng 140 triệu USD/năm.
Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh thẩm định, giới thiệu về các địa phương tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, các doanh nghiệp này đều có đầy đủ hồ sơ theo quy định như: Giấy phép hoạt động do Bộ LĐ-TB&XH cấp, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, thông báo các doanh nghiệp đi làm việc tại các nước đã đăng ký và được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu về các địa phương để tuyển chọn lao động. Trong số các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng tham gia tuyển chọn, đưa người lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài đều là doanh nghiệp từ các tỉnh, thành khác.
Một nghịch lý diễn ra trong nhiều năm qua, đó là trong số đơn hàng đưa người đi XKLĐ thì có nhiều doanh nghiệp sống dựa vào “cò”. Trong khi đó, doanh nghiệp mơ hồ, thậm chí không hề biết thông tin về người lao động, vì thế, đã gây nên những hệ lụy không nhỏ. Riêng trong năm 2014, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã phát hiện, đình chỉ 2 doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ vẫn ra thông báo tuyển dụng và thu tiền môi giới người lao động trái pháp luật; 3 đối tượng giả danh cán bộ Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao lừa đảo 43 người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Canada với số tiền chiếm đoạt trên 7 tỉ đồng...
Để ngăn ngừa một số tổ chức, cá nhân lợi dụng XKLĐ để lừa đảo, trục lợi, thu tiền trái quy định của người lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã công khai danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động XKLĐ trên địa bàn. Trong số 40 doanh nghiệp này, thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Ả rập Xê út, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan...
.