Bị chèo kéo, chửi mắng thậm tệ, ép mua hàng với giá cao… thậm chí còn bị đánh nếu khách hàng dám đôi co khiến người dân tại TP.Vinh (Nghệ An) đang dần quay lưng khiến các chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm.
Các chợ truyền thống ở TP.Vinh vẫn còn nhiều hiện tượng chặt chém giá cả- Ảnh: Niềm Phạm.
Đã xem là phải mua
Hét giá trên trời và mặc cả khi mua hàng là chuyện không mới tại các chợ truyền thống. Có thể điểm mặt rất nhiều khu chợ nổi tiếng ‘chặt’, ‘chém’ khách tại TP.Vinh, nhưng tai tiếng nhất là ở chợ đại học Vinh và chợ Vinh. Những người là nạn nhân thường là sinh viên và khách du lịch.
Phạm Thị Hòa (sinh viên ĐH Vinh) bức xúc kể: ‘Em cùng với 1 người bạn đi mua đồ ở chợ đại học Vinh, vừa bước vào hàng, nhân viên đã tiếp cận, áp sát rồi hỏi dồn dập muốn mua gì. Thấy một chiếc áo phông mỏng kiểu dáng khá đẹp nên em hỏi xem thử nhưng bà chủ hét giá tới 420.000 đồng’.
Thấy đắt quá Hòa định đi chỗ khác thì bà chủ liền lôi vào cho bằng được. ‘Em nói là màu áo đó cháu không thích với lại đắt quá không đủ tiền thì bà ấy liền thay đổi thái độ, chỉ tay vào mặt em la mắng…rồi ép phải mua. Nghĩ bụng áo đó mà trả 100.000 đồng thì bà ta sẽ không bán rồi để mình đi là xong chuyện, ai ngờ bà ta lại liên tục chửi mình rồi bảo khách mở hàng nên đành bán lỗ vậy. Biết là đã bị hớ nhưng cũng phải lấy cho xong chuyện’, Hòa kể.
|
Nhiều khách hàng rất sợ khi phải đi chợ- Ảnh: Niềm Phạm. |
Còn chị Nguyễn Thị Tâm (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) đã không còn dám quay lại chợ Vinh mà chuyển qua đi mua đồ ở siêu thị khi nhớ lại cảnh tượng mình bị o ép ở đây.
Hỏi chiếc áo dạ mà họ hét giá 1 triệu đồng, không mua thì họ cứ nằng nặc vừa túm tay mình lắc lắc vừa năn nỉ mình trả giá ‘giải vía’. Do lỡ trả giá rồi nhưng không đủ tiền lấy nên chị bị chủ quầy này chửi um lên vì hàng mặc cả hết hơi rồi không lấy, còn dọa sẽ gọi ‘đầu gấu’ vào.
‘Biết bị lừa nên tui nhất định không lấy, thế là họ giữ lại chửi bới, dọa nạt gần 1 tiếng đồng hồ’, chị Tâm nói.
Lo sợ nhất là khi đi mua hàng vào đầu giờ sáng hay chiều, với lý do mở hàng nên nhiều người khi đã vào xem rồi sẽ bị ép mua. Vì thế mà chỉ có dân đi chợ chuyên nghiệp mới dám mon men nâng lên hạ xuống quần áo vào thời điểm đầu ngày này.
Nhiều người quá ngán ngẩm cảnh bị o ép, chặt chém đã chuyển sang đi mua sắm ở siêu thị.
‘Hàng hóa ở chợ nó phong phú và đẹp hơn nhưng họ nói thách kinh khủng, đã vậy trả giá mà không mua là bị chửi tơi bời. Bảo là mua đồ ở chợ rẻ hơn nhưng nếu không biết trả giá có khi lại mua đắt hơn cả ở siêu thị nữa nên tôi quyết định chuyển sang đi mua sắm ở siêu thị để được thoải mái’, chị Nguyễn Thị Duyên (P.Hà Huy Tập) cho biết.
Quản lý thị trường chỉ nhắc nhở
Quy định niêm yết giá đã được ban hành từ lâu nhưng ở hầu hết các chợ trên địa bàn TP.Vinh không mấy người thực hiện.
Một số tiểu thương cho rằng có đến hàng trăm mặt hàng được bày bán, nên việc niêm yết giá rất mất thời gian. Hơn nữa, có niêm yết giá thì cũng không mấy khách hàng quan tâm nên không ai thực hiện.
Theo ông Tô Thanh Nhân, Trưởng Ban quản lý chợ Vinh, việc quản lý niêm yết giá ở chợ là rất khó thực hiện bởi đa số tiểu thương ít thay đổi, sửa giá niêm yết ghi trên bảng theo tình hình thực tế.
|
Các ngành quản lý có liên quan ở Nghệ An vẫn chưa có biện pháp giải quyết vấn nạn hiệu quả- Ảnh: Niềm Phạm. |
Hơn nữa, nhiều người mua hàng có tâm lý thích trả giá trước khi mua hàng nên người bán phải nói thách giá thì mới bán được hàng.
‘Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và cảnh cáo những trường hợp nhiều lần vi phạm nhưng rồi đâu lại vào đấy’, ông Nhân cho biết.
Còn ông Trần Đăng Ninh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết: ‘Đa số các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố có quy mô, đối tượng hoạt động khác nhau, việc quản lý vẫn chưa được chặt nên còn xảy ra tình trạng nhiều hộ kinh doanh không chấp hành tốt quy định niêm yết đúng giá’.
‘Quản lý thị trường chủ yếu nhắc nhở là chính chứ không xử phạt. Để có thể dẹp bỏ được tình trạng nói thách giá, ngoài trách nhiệm của ban quản lý chợ thì người dân cũng cần phải dần thay đổi thói quen mặc cả khi đi chợ để hạn chế tình trạng này’, ông Ninh cho biết thêm.