Những năm gần đây, việc phát triển sản xuất rau an toàn được TP Vinh quan tâm chỉ đạo. Hướng đi này đã khẳng định hiệu quả về thu nhập cho người nông dân, tuy nhiên vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Hàng năm, vào vụ Đông Xuân xã Nghi Kim TP Vinh đưa vào sản xuất bình quân 60 ha diện tích rau màu các loại. Trong đó có một số loại rau quả như: Rau cải, xà lách, đậu...Năm 2008, xã đã phối hợp với trường đại học Vinh xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm 10 xã Nghi Kim. Trường đại học Vinh sẽ hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn và phối hợp mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn tại chợ Quán Lau. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận rau an toàn và kinh phí xây dựng cửa hàng nên mô hình này đã không duy trì được. Ông Nguyễn Văn Thịnh – nông dân xã Nghi Kim TP Vinh cho biết một số khó khăn trong quá trình tiêu thụ rau an toàn: “Ở Nghi Kim điều kiện thuận lợi cho sản xuất rau nên nông dân tích cực làm rau, tuy nhiên khó trong tiêu thụ. Có lúc cây rau giảm hiệu quả nên không đáp ứng được ngày công lao động.”
Ông Nguyễn Đình Chính – xóm trưởng xóm 10 xã Nghi Kim TP Vinh cho biết thêm: “Khi thời tiết khó khăn bà con làm ít khi thời tiết thuận lợi bà con triển khai làm ồ ạt dẫn đến tiêu thụ khó.”
Nhằm giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, TP Vinh đã nỗ lực liên kết giải quyết đầu mối tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho người nông dân bằng cách liên kết với một số siêu thị, cơ quan, trường học. Nhưng sau một thời gian sự liên kết này không duy trì được bởi lý do nguồn cung không đáp ứng đủ số lượng rau cho siêu thị, chưa đáp ứng được nhu cầu sự đa dạng về chủng loại rau phục vụ các bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng tại các trường học. Nằm trong nỗ lực tìm kiếm đầu mối tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho người nông dân, TP cũng đã quy hoạch bố trí cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn tại một số chợ trên địa bàn nhưng tiến độ còn rất chậm do những khó khăn về kinh phí, thủ tục đầu tư các cửa hàng theo quy chuẩn. Hai năm lại nay, TP đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau an toàn nhưng số lượng và diện tích chưa nhiều. Mặt khác, người nông dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, còn ỷ lại vào sự đầu tư của doanh nghiệp và nhà nước nên mô hình này chưa đạt được sự ổn định bền vững. Ông Trần Quang Lâm – Trưởng phòng kinh tế UBND TP Vinh cho biết một số giải pháp: “Nông dân làm ra chưa hướng đến thị trường tiêu thụ và nhu cầu của người dân nên sản xuất rau theo hướng GAP khó khăn. TP đã quan tâm xây dựng thương hiệu rau Vinh, hỗ trợ về kỹ thuật, ký kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Nhưng trong quá trình làm một số hộ chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không tiêu thụ được.”
Hiện nay, trong khi những nỗ lực của TP chưa đạt kết quả như mong muốn, sản phẩm rau an toàn của người dân chủ yếu tiêu thụ tại các chợ. Người tiêu dùng chưa đủ niềm tin về chất lượng do vậy các sản phẩm này vẫn bị đánh đồng với những sản phẩm rau sản xuất thông thường. Trong khi sự đầu tư cho sản xuất rau an toàn lại lớn hơn nhiều. Đây là sự bất cập đòi hỏi sự thay đổi về tư tưởng, ý thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Chủ động hơn trong sản xuất sản phẩm đảm bảo chặt chẽ các tiêu chí rau an toàn. Mặt khác, TP cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đồng bộ tiêu thụ rau an toàn để hướng đi này thực sự phát trển bền vững.
Hoàng Loan |