Giao dịch không dùng tiền mặt mà chủ yếu qua các dịch vụ tiện tích của hệ thống ngân hàng đang ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích mà các dịch vụ này mang lại thì nhiều loại phí, mức phí đã và đang được các ngân hàng áp dụng mỗi nơi một kiểu như hiện nay khiến người dân cũng như các DN không khỏi băn khoăn.
Phí nhiều và không nhớ nổi bao nhiêu khoản là lời phàn nàn của rất nhiều khách hàng về tình trạng thu phí của các ngân hàng gần đây. Là chủ một DN chuyên về sản xuất các mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu, anh Lê Đức Sơn không khỏi băn khoăn khi hàng tháng anh phải bỏ ra cả chục triệu đồng cho các khoản phí dịch vụ tại ngân hàng. Và điều mà vị giám đốc này băn khoăn nhất là phí kiểm đếm tiền vừa mới được triển khai tại các ngân hàng là chưa hợp lý và thực sự đang gây áp lực cho Doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, hệ thống phí của các ngân hàng như một “ma trận”. Mỗi ngân hàng một kiểu thu với những tên gọi khác nhau, song về bản chất cũng chỉ là một dạng dịch vụ liên quan đến tài khoản tiền gửi hay còn gọi là tài khoản thanh toán. Và đi kèm là hàng trăm dịch vụ bổ sung như phát hành thẻ ghi nợ (thẻ ATM rút tiền, thanh toán), dịch vụ Internet banking… và đương nhiên, động vào đâu cũng bị thu phí…
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn thì các dịch vụ đang trở thành lĩnh vực cứu nguy lợi nhuận cho nhiều ngân hàng. Đây cũng là lý do mà từ năm 2013 đến nay, nhiều ngân hàng âm thầm tăng các loại phí dịch vụ.
Tại ngân hàng Công thương Bến Thủy hiện có đến hàng chục loại hình dịch vụ, đồng nghĩa sẽ có hàng chục loại phí đang được áp dụng. Và con số lợi nhuận từ phí dich vụ cũng không hề nhỏ. 9 tháng đầu năm nay, tổng nguồn thu phí dịch vụ lên đến 7,5 tỷ đồng trên tổng số nguồn thu là 30 tỷ đồng, chiếm đến trên 35%.
Điều dễ nhận thấy hiện nay đó là các ngân hàng có thị phần áp đảo thị trường là những đơn vị có nhiều loại phí nhất. Phí dịch vụ của các ngân hàng này có khi lên tới vài chục loại và mức phí cũng khác nhau, như Ngân hàng Ngoại thương Vinh có đến 40 loại phí dịch vụ đã và đang được áp dụng, doanh thu 9 tháng đầu năm lên đến trên 9 tỷ đồng.
Rõ ràng, để hạn chế thanh toán dùng tiền mặt, việc đưa ra một số loại phí là cần thiết, nhưng không phải vì thế mà các ngân hàng lợi dụng để tận thu khách hàng như hiện nay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các loại phí để chấn chính tình trạng này. Còn bản thân các ngân hàng cũng cần phải cân bằng hơn giữa lợi ích các bên khi đưa ra các mức phí, đảm bảo quyền lợi, tránh gây ra áp lực cho khách hàng khi giao dịch bằng các dịch vụ của ngân hàng.