Nằm cách Thành phố Vinh khoảng 8km về phía Đông Bắc, có một cánh rừng nguyên sinh trù phú với sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật quí hiếm ít người biết đến, đó là rừng bần Hưng Hòa, hay còn gọi là Tràm Chim. Đây được xem như lá phổi xanh bảo vệ cư dân và hệ sinh thái vùng ngập mặn, cần sớm có các giải pháp nhằm bảo tồn hệ sinh học phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phòng chống thiên tai, chống xói lở, tạo điều kiện cho các loài thủy sinh phát triển.
Chị Hoàng Thị Thuyết, người dân xóm Hòa Lam chèo thuyền chở PV chúng tôi đi tham quan Tràm Chim Hưng Hòa. Tính cả đi cả về phải mất độ hai giờ đồng hồ mới tham quan hết toàn bộ khu rừng.
Vừa đi, chị Thuyết vừa giới thiệu với chúng tôi về rừng bần nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Nghệ An. Chị cho biết cây bần ra hoa và kết quả vào tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch, rụng lá vào tháng 2 và đến cuối tháng 4 dương lịch mới đâm chồi, nảy lộc, vì thế quanh năm rừng bần là điểm du lịch sinh thái, giải trí lý tưởng. Mùa này, cả rừng bần cây nào cây nấy trĩu quả, những quả bần chín mọng có vị chua thanh thanh mang cả vị chát nhè nhẹ không lẫn vào đâu được. Đi giữa khu rừng nguyên sơ, không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên của hoa bần và quả bần chín, mà chúng tôi còn được nghe tiếng chim rừng ríu rít gọi bạn - những âm thanh trong trẻo của thiên nhiên, được ngắm những loài thủy sinh đặc biệt quý hiếm.
Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, khi lớn lên thì đã trông thấy rừng bần này. Sau năm 1954, khi đắp đê 42 thì khu rừng này bị chia làm 2 phần: phần trong đê đã bị chặt phá để trồng lúa, trồng cói, nuôi trồng thủy sản. Phần rừng còn lại nằm ngoài đê đến năm 1995 mới được đưa vào diện quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, cũng như mọi người, chị Thuyết không biết rõ rừng bần có tự khi nào.
Kiểm chứng của các nhà khoa học cho thấy, đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh nhất Việt Nam với một thảm thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Rừng bần Hưng Hòa có vai trò rất quan trọng, ngoài chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng, gió bão, rừng bần còn có một hệ sinh thái phong phú đa dạng để cho các loại thủy sinh, chim nước, chim di cư… trú ngụ sinh sản. Nơi đây, gần như có đủ các loài chim mà đất rừng Phương Nam vốn có. Đặc biệt, nhóm chim ở rừng bần Hưng Hoà có tính đa dạng sinh học cao nhất, với 31 loài, 19 họ và 12 bộ chim, trong đó, có 3 loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ... PGS-TS Cao Tiến Trung- Trưởng khoa Sinh học- ĐH Vinh khẳng định, đây là rừng bần cổ nhất, dễ bị tàn phá nếu không có giải pháp bảo tồn.
Nhận thức được vai trò quan trọng của rừng bần, những năm qua, cấp ủy chính quyền ở Hưng Hòa đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm này. Tuy nhiên, do diện tích rừng bần rộng gần 70ha lại trải dài tới 4km, nên công tác bảo vệ rừng ở hạ nguồn sông Lam còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nạn săn bắn chim, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản còn diễn ra phức tạp.
Theo ông Lê Văn Thương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, tình trạng xâm hại đến hệ sinh thái rừng bần diển ra lâu nay, nhưng chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe.
Việc phục hồi rừng bần nguyên sinh tại xã Hưng Hòa không chỉ bảo vệ được tuyến đê sông Lam, mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế của nhân dân vùng cửa sông Hưng Hòa. Để khai thác tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, thành phố Vinh đã xây dựng dự án quản lý, bảo vệ trồng mới mở rộng diện tích rừng bần gắn với qui hoạch du lịch sinh thái phía hạ lưu sông Lam.
Rừng bần Hưng Hòa là tài nguyên quốc gia vô giá, bởi vậy, việc làm quan trọng nhất để bảo tồn gìn giữ, đó chính là không chặt hay đốn hạ cây rừng. Bên cạnh đó, rừng bần hàng năm cần phải được trồng mới, trồng xen, bổ sung nhằm đa dạng hóa hệ sinh học, giảm tác động của biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ con người, nhà cửa trước sự tàn phá của thiên tai.