Một số ban giám hiệu nhà trường “nghĩ”, “sáng kiến” ra những khoản thu mà các bậc phụ huynh không dám nói và phải miễn cưỡng đóng từ năm này sang năm khác.
Các bậc phụ huynh miễn cưỡng đóng rất nhiều khoản phí cho con em học ở trường từ năm này sang năm khác. Ảnh tư liệu.
Bởi nhiều phụ huynh luôn quan niệm nói ra chẳng được gì vì tất cả lời kêu gọi đã được hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ. Sự kêu gọi không phải từ nhà trường mà là của hội cha mẹ học sinh.
Bởi các khoản thu đó là do hội cha mẹ học sinh đã đề nghị với ban giám hiệu và ban giám hiệu đã xin ý kiến lãnh đạo địa phương.
Và, một khi phụ huynh này đồng ý thì người khác sẽ làm theo, khi mọi người làm theo thì năm sau lại có thêm nhiều khoản thu mới phát sinh nên chuyện tiền trường của một số đơn vị sẽ là bài ca năm tháng chưa có hồi dừng.
Một nguyên nhân nữa là ai cũng sợ nói ra thì thầy cô không quan tâm đến con em mình, đì con mình trong học tập nên đành... chấp thuận.
Đơn vị nơi tôi đang công tác, ngoài những khoản thu như học phí, bảo hiểm y tế thì không bắt buộc thu các khoản khác.
Đồng phục nhà trường đầu năm vẫn lấy về nhưng em nào có nhu cầu thì mua, quỹ hội phụ huynh chỉ vài chục nghìn đồng nhưng không bắt buộc, em nào có điều kiện thì đóng và tiền này dùng để hỗ trợ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ chi phục vụ giáo viên.
Vì nhiều năm nay thực hiện khoán kinh phí cho hoạt động của đơn vị nên mỗi năm nhà trường tiết kiệm trong chi tiêu và cuối năm số tiền còn dư thừa dùng để sắm sửa cơ sở vật chất.
Thư viện được đầu tư khang trang với nhiều đầu sách báo, bàn ghế đầy đủ, máy móc phục vụ giảng dạy công nghệ thông tin được mua sắm mới, hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu của giáo viên trong trường.
Chưa năm nào nhà trường phải vận động tiền của cha mẹ học sinh để sắm sửa cơ sở vật chất. Không lấy tiền của hội để phục vụ mục đích cá nhân của giáo viên mà nhà trường còn lập quỹ khuyến học (giáo viên đóng hằng tháng) để chi hỗ trợ các em học sinh khó khăn.
Mỗi khi Tết Nguyên đán đến, nhà trường lại vận động quyên góp của giáo viên trong trường để mua những phần quà tặng các em có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự động viên để các em yên tâm học tập.
Những khoản tiền như điện, nước, vệ sinh môi trường... đều được lấy từ kinh phí của nhà trường để trả. Để làm được những việc trên, đã có sự đồng thuận từ ban giám hiệu đến toàn thể giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Các ngày lễ tết giáo viên không có quà, không có tiền thưởng của nhà trường, của hội cha mẹ học sinh nhưng luôn thấy lòng thanh thản, chưa bao giờ cảm thấy áy náy khi lấy tiền của các em phục vụ lợi ích cá nhân của nhà trường.
Ví dụ thứ hai là con trai tôi năm nay vào lớp 1 (thuộc địa bàn trung tâm của thành phố) nhưng đầu năm nhà trường thông báo thu 597.000 đồng, trong đó tiền bảo hiểm y tế và thân thể đã trên 300.000 đồng, còn lại là một số loại tiền phục vụ học tập.
Với một số tiền như vậy đảm bảo không một phụ huynh nào phải thắc mắc bởi số tiền đã công khai ngay đầu năm học, họp phụ huynh chỉ báo cáo tình hình nhà trường, tình hình học tập của các cháu, không một từ nào đề cập đến các loại tiền “tự nguyện” như một số địa phương mà thông tin đại chúng đã đưa tin như thời gian qua.
Từ hai ví dụ trên sẽ đặt cho chúng ta một câu hỏi lớn: Tại sao cũng là trường công lập, cũng thầy cũng cô giống nhau, cũng một chính sách giống nhau của ngành giáo dục mà mỗi nơi làm mỗi kiểu, nhiều trường trong một địa bàn nhưng mỗi trường thu mỗi cách?