Mới đây, NHNN đã có Công văn số 5342/NHNN/TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cho vay tín chấp. Nới lỏng tín dụng cho vay tín chấp là động thái mà cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng có lợi. Thế nhưng, xem ra chủ trương này không dễ gì thực hiện.
Bớt “nặng” tài sản thế chấp
Theo Công văn 5342, NHNN đề nghị xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…); kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu chia sẻ: “Để duy trì và phát triển nghề đóng tàu thuyền, doanh nghiệp cần vốn lớn và thường xuyên có mối quan hệ với ngân hàng. Giai đoạn đầu chúng tôi vẫn phải thế chấp tài sản để vay. Tuy nhiên, càng về sau, do vay trả sòng phẳng, phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, doanh nghiệp đã tạo được sự tín nhiệm đối với ngân hàng nên chúng tôi vẫn được ngân hàng giải quyết cho vay bằng hình thức tín chấp. Do khó khăn về tài sản, đất đai, hầu hết doanh nghiệp luôn mong muốn được vay tín chấp, nhưng về phía ngân hàng, theo tôi, để được vay tín chấp, quan hệ vay – cho vay phải trải qua một thời gian nhất định; khi người cho vay có được độ tin cậy rất cao đối với người vay mới có thể quyết định cho vay tín chấp”.
Cho vay tín chấp đang được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ, nhất là đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình. Khách hàng chỉ cần chứng minh cho ngân hàng thông tin về nguồn thu nhập, nơi làm việc, nơi ở… để qua đó đánh giá khả năng trả nợ là có thể vay tiêu dùng với mức lãi suất khá hấp dẫn. Chẳng hạn, khách hàng là cán bộ, công nhân viên đang làm việc hưởng lương có nhu cầu vay vốn bằng lương mà không có tài sản thế chấp đảm bảo sẽ được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho vay tối đa 12 tháng lương; thời gian cho vay từ 6 - 36 tháng; phương thức trả nợ: lãi suất hàng tháng (tính trên dư nợ vay ban đầu) gốc trả hàng tháng hoặc cuối kỳ…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 9, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 63.500 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 13,1%. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 105.000 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 9,5%. Tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn khoảng 1.606 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,5% trên tổng dư nợ. Quy mô tín dụng đang tăng với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay giảm, thanh khoản của các TCTD về quy mô tiền gửi dồi dào. Mặc dù trần lãi suất tiền gửi nội tệ và ngoại tệ liên tục giảm nhưng tiền gửi tiết kiệm cũng như tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng. Vì thế, chủ trương tăng cường cho vay tín chấp, giảm bớt lệ thuộc vào tài sản là tín hiệu tốt để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng e ngại
Tuy nhiên, nếu như đối tượng là cán bộ công chức đang được ngân hàng triển khai mạnh mẽ thì đối tượng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó quản lý dòng tiền, tài chính thiếu minh bạch, sản xuất kinh doanh khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN cho hay, đây không phải là vấn đề mới, bởi lâu nay ngân hàng đã thực hiện cho vay theo tín chấp. Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 02/2013 yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp qua kiểm toán rất ít, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tài chính thiếu minh bạch nên rất khó để các ngân hàng cho vay theo tín chấp. “Nếu chạy theo tăng trưởng tín dụng trong điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, trong khi bất động sản, chứng khoán được thả lỏng sẽ là cơ hội cho nợ xấu tăng nhanh. Do đó, quan trọng là phải có giải pháp quản lý đồng vốn, giám sát dòng tiền củ̉a doanh nghiệp. ” - Giám đốc NHNN cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Phan Hữu Phùng – Giám đốc Chi nhánh ngân TMCP Sài Gòn SCB tại TP. Vinh cho rằng, theo lý thuyết cũng như thực tế thì thế chấp tài sản chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất vẫn là hiệu quả dự án kinh doanh, là khả năng thu hồi vốn. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp cho vay qua đánh giá tài sản thế chấp nhưng khi doanh nghiệp phá sản, để giải quyết được khối tài sản là không hề dễ. Do đó, ngoài tài sản thế chấp, các tổ chức tín dụng đặc biệt coi trọng phương án kinh doanh hiệu quả, uy tín của doanh nghiệp. Thế nhưng, đáp ứng điều kiện vay tín chấp chủ yếu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ tài chính không lành mạnh, thiếu minh bạch rất khó được vay theo hình thức này vì quá nhiều yếu tố rủi ro. Chúng tôi cũng cho vay tín chấp trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhưng không nhiều. Hiện SCB chi nhánh Vinh huy động đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm nhưng dư nợ chỉ đạt 100 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; chủ yếu cho vay ngắn hạn (chiếm khoảng 70% tổng dư nợ).
|
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Bến Thủy (TP. Vinh). |
Hiện nay, xếp hạng doanh nghiệp mỗi ngân hàng có một cách, do ngân hàng tự xây dựng. Tại ngân hàng TMCP công thương Bến Thủy, bà Cao Thị Thu Trang - Phó trưởng phòng Tổng hợp, cho biết: Hiện huy động của chúng tôi đã đạt 90% kế hoạch năm nhưng cho vay thực sự khó khăn. Lâu nay ngân hàng đã thực hiện cho vay tín chấp; và xếp hạng tín dụng là căn cứ để ngân hàng cho vay nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đảm bảo “sức khỏe” không nhiều. Hiện ở Vietin bank Bến Thủy chỉ có một số doanh nghiệp được vay tín chấp như Công ty CP Phát triển công nghiệp và xây dựng miền Bắc, Công ty CP Trung Đô, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan… Đến ngày 31/8, trong khi huy động đạt 2.230 tỷ đồng, thì dư nợ của Ngân hàng Công thương Bến Thủy đạt 1.700 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Có khách hàng mới nhưng không bù được sụt giảm. Hiện ngân hàng đang triển khai các chương trình tiếp vốn nhanh vay ưu đãi lãi suất 8%/năm, tiếp sức thành công cho doanh nghiệp tùy nhóm với lãi suất ưu đãi 7,5%/năm. Ngân hàng cũng phải giao chỉ tiêu cho cán bộ tín dụng, tăng cường tiếp thị, rà soát các gói sản phẩm phù hợp với khách hàng...
Cho vay tín chấp là thông điệp để các ngân hàng giảm bớt lệ thuộc vào tài sản thế chấp, chuyển hướng sang cho vay tín chấp phù hợp với thông lệ tín dụng. Tuy nhiên, một cán bộ tín dụng ngân hàng chia sẻ: Chúng tôi vẫn biết chủ trương về tăng cường cho vay tín chấp không quá dựa vào tài sản đảm bảo như hiện nay là rất đúng, thế nhưng cán bộ tín dụng rất ngại khi dính dáng đến vấn đề trách nhiệm, có khi vướng vào lao lý. Chủ trương của NHNN nới lỏng tín dụng để nâng hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản quá trình thẩm định vay vốn nhưng khi có sự cố xảy ra, lật lại hồ sơ, cán bộ tín dụng là người đầu tiên chịu trách nhiệm.
Liên quan đến trách nhiệm cán bộ tín dụng, ông Phan Hữu Phùng cho biết thêm: Pháp luật đang hình sự hóa nhiều vấn đề dân sự, trong đó có lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Theo quy luật cạnh tranh, quy luật của thị trường, việc doanh nghiệp phá sản là tất yếu, là bình thường. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp phá sản và cũng có hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập. Cái khó của ngân hàng là cho vay thế chấp thì ngân hàng không khác gì tiệm cầm đồ, rủi ro hơn cho vay tín chấp bởi xử lý tài sản không dễ. Nhưng cho vay tín chấp nếu món vay dính đến doanh nghiệp phá sản là nảy sinh nợ xấu, là liên quan đến việc quy trách nhiệm. Dù được nhiều ngân hàng triển khai nhưng cho vay tín chấp vẫn đang là rào cản chưa thể tháo gỡ. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương là người nắm rõ tình hình của doanh nghiệp. Do đó, nếu chính quyền tham gia cũng sẽ là kênh thông tin quan trọng để ngân hàng tin tưởng mở hầu bao rót vốn.
Ngân hàng thừa vốn, phải đẩy mạnh cho vay; doanh nghiệp lại thiếu vốn kinh doanh nhưng khó tiếp cận. Câu chuyện lệch pha giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn đó. Dù biết cho vay tín chấp là giải pháp khả quan trong điều kiện cho vay ảm đạm hiện nay nhưng không dễ gì thực hiện được bởi những rủi ro có thể đến với ngân hàng. Vì thế, để khơi thông dòng vốn, tạo thị trường tín dụng bền vững, vẫn rất cần sự vào cuộc sẻ chia từ phía ngân hàng, doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương.
Thu Huyề