Triển khai đồng bộ các phương án phòng chống lụt bão
Năm 2013, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm chết 30 người, bị thương 5 người, thiệt hại về vật chất, cơ sở hạ tầng ước tính trên 2.700 tỉ đồng. Các vùng biển xảy ra 23 vụ tai nạn, làm chìm và hư hỏng nặng 31 tàu thuyền, chết và mất tích 30 người, bị thương nặng 12 người. Dự báo tình hình mưa bão trong năm 2014 sẽ diễn biến phức tạp với những đợt mưa bão mạnh kèm theo lũ kép, lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, để chủ động giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành, chính quyền các địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt. Đối với các công trình phòng chống lụt bão trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) đã phê duyệt các phương án PCLB như phương án hộ đê phòng chống lũ lụt năm 2014, cống Nam Đàn, phương án PCLB hạ du các công trình thủy điện: Khe Bố, Nậm Nơn… và phương án PCLB cho 60 hồ chứa nước do các công ty thủy lợi quản lý.
Nhận thức được tầm quan trọng sống còn của các công trình ách yếu, Ban chỉ huy PCLB và TKCN đã đề xuất UBND tỉnh cấp ngân sách, hỗ trợ việc tu sửa công trình trọng yếu trước mùa mưa bão năm 2014. Con số 10,19 tỉ đồng sẽ được hỗ trợ cho các địa phương phục vụ mục đích tu sửa các công trình này và mua sắm vật tư dự trữ PCLB tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác khảo sát thực địa được chú trọng triển khai nhằm nắm bắt tình hình thực tế các công trình PCLB trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác PCLB tại một số địa phương, công trình trọng điểm như huyện Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, hồ Vực Mấu, cống Nam Đàn, Hồ Thành… Từ đó, đôn đốc chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đối phó với mùa mưa bão, góp phần hạn chế tới mức tối đa các hậu quả và tàn dư do bão lũ gây ra.
Công tác kiểm tra thực địa phục vụ PCLB |
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho đê Tả Lam - tuyến đê trọng yếu bảo vệ, che chắn các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò, TP Vinh và đoạn đường sắt thống nhất Bắc - Nam, Quốc lộ 1A; công tác chỉ đạo xây dựng, nâng cấp, tu sửa công trình đê Tả Lam nói riêng và công trình PCLB ở các tuyến đê điều nói chung đã được chú trọng. Với tổng mức đầu tư 7 tỉ đồng, đê Tả Lam hiện nay đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thành 100% trong tháng 9/2014. Ngoài ra, dự án nâng cấp đê Lương - Yên - Khai (huyện Thanh Chương) nhằm ngăn lũ sông Cả cùng việc nâng cấp các đê biển khác được đánh giá sẽ phát huy hiệu quả trong việc giảm bớt tác động dòng chảy của lũ.
Để thực hiện có hiệu quả các phương án đồng bộ trên, các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng hoàn thành các hạng mục sửa chữa công trình ách yếu thi công chưa xong để kịp phục vụ PCLB. Đồng thời, nhân dân cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, hoa màu và thủy sản. Các đơn vị thủy lợi thực hiện tốt việc tiêu úng khi có mưa lớn, thực hiện tuần tra canh gác bảo vệ đê…
Tồn đọng những khó khăn, bất cập trong công tác PCLB
Theo ông Đào Văn Long, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai công tác PCLB và TKCN là nguồn kinh phí để xây dựng, tu sửa, bảo dưỡng hệ thống đê điều, hồ đập, cống tiêu… Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm và cấp theo dự án thì UBND tỉnh vẫn có hỗ trợ nhất định về mặt nguồn vốn cho các địa phương tu sửa các công trình ách yếu. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn không đủ vì nhu cầu sửa chữa các công trình quá lớn. Mặt khác, do đầu tư dàn trải, tiến độ thi công kéo dài khiến cho nhiều công trình hiện đã xuống cấp vẫn phải tìm cách “chắp vá” nên không thực sự đảm bảo trong việc đối phó với lụt bão, đặc biệt là hệ thống kè bảo vệ tại các tuyến đê xung yếu.
Thực tế những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp, tu bổ các tuyến đê trọng yếu trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, do địa chất vùng dọc tuyến đê vẫn còn tồn tại những ẩn họa như: Mối, sủi, sạt trượt ao hồ ven chân đê, trong thân đê và nền đê khiến cho công tác đảm bảo an toàn đê luôn đặt trong tình trạng báo động. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Tình trạng chiếm dụng hành lang bảo vệ đê để xây dựng nhà, lều, bãi tập kết đất đá, cát sỏi đang diễn biến phức tạp; nạn khai thác cát sỏi trái phép trên tuyến sông này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình sản xuất và sinh hoạt, người dân vẫn còn tái diễn tình trạng đổ rác, chất thải sinh hoạt trên mái đê hay xẻ thân đê làm lối đi, khai thác đất cát ở lòng sông, bãi biển gần đê không đúng quy định, tác động trực tiếp đến sự an toàn của tuyến đê.
Thời gian tới là trọng điểm mùa mưa bão, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và PCLB, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ đê ngay từ khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo an toàn các tuyến đê, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay.
.