Trên địa bàn TP. Vinh ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển bán hàng trả góp với những lời mời chào hết sức hấp dẫn, như “hỗ trợ trả góp”, “thuận tiện nhanh chóng, chỉ với lãi suất thấp”… Trong đó nhiều nhất là các mặt hàng điện tử như ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, xe máy… Điều này đã nắm bắt rất đúng tâm lý khách hàng, đặc biệt là với những khách hàng có mức thu nhập trung bình như công chức, lao động phổ thông... Phương thức thanh toán, lãi suất, thời gian thanh toán khi mua hàng trả góp cũng rất đa dạng. Thông thường khách chỉ cần phải trả khoảng 20% tổng giá trị sản phẩm. Số tiền còn lại sẽ được trả dần trong thời hạn 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng…
Nhiều mặt hàng điện tử ở siêu thị Big C (TP. Vinh) được bán với hình thức trả góp |
Thấy đây là dịch vụ khá thuận tiện nên khi quyết định đổi xe máy, anh Mạnh ở phường Lê Mao (TP. Vinh) cũng quyết định sẽ mua bằng hình thức trả góp. Đến cửa hàng xe máy Đ.A trên đường Trần Phú, anh được nhân viên của cửa hàng giới thiệu là người của Công ty HD Finance tư vấn về lợi ích của việc trả góp. Sau đó, anh được nhân viên làm mọi thủ tục để việc mua xe được nhanh chóng. Cho đến khi cả hai bên giao nhận giấy tờ anh mới tá hỏa vì chỉ vay 25.000.000 đồng trong vòng 12 tháng, nhưng mỗi tháng nếu tính cả lãi và gốc anh phải trả đến 2.700.000 đồng (trong đó riêng tiền lãi suất là khoảng 700.000 đồng). Ngoài ra, với cách tính này thì dù hàng tháng anh đã trả lãi và gốc đầy đủ, anh cũng không được giảm trừ theo hình thức trả lãi dần. Nếu vậy, tính ra anh phải trả lãi suất khoảng 26%/năm và giá chiếc xe sẽ bị đội lên so với giá gốc ban đầu gần 7 triệu đồng. Nói với tôi sau bài học đắt giá này, anh cho biết: Lúc mới mua nghe nhân viên tư vấn, cứ nghĩ lãi suất hơn 2% một tháng tưởng là rẻ, nhưng nhân lên cả năm mới thấy “cắt cổ” không khác gì cho vay nặng lãi. Đáng lẽ trong quá trình làm thủ tục nhân viên bán hàng phải tư vấn cụ thể cho khách hàng, đằng này chỉ đưa ra số tiền khách hàng phải trả hàng tháng. Đến khi biết thì không thể sửa được nữa vì hợp đồng đã ký rồi.
Tìm hiểu tại một số cửa hàng khác, hình thức cho vay tiêu dùng cũng tương tự. Ví dụ như dịch vụ trả góp mặt hàng điện tử ở tầng 2, siêu thị Big C. Để mua 1 chiếc ti vi hoặc tủ lạnh, mức lãi suất trung bình là 1,49%. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này khách hàng phải chứng minh được hợp đồng lao động bảng lương, chứng minh nhân dân, hộ khẩu và các hóa đơn thanh toán của gia đình trong ba tháng gần nhất. Trong trường hợp không đủ các giấy tờ thì lãi suất sẽ được tính là 2,26%/tháng (tương đương khoảng 26%/năm). Hỏi nhân viên bán hàng ở đây, thì được giải thích: Vì đây là vay không có thế chấp nên lãi suất phải cao như vậy. Đây cũng là hình thức được một số ngân hàng thương mại áp dụng khá phổ biến hiện nay, gọi là hình thức Add - on, tính lãi suất vay với hình thức trả lãi theo dư nợ gốc ban đầu. Với cách làm này, thuận tiện là thủ tục đơn giản nhưng khách hàng phải cân nhắc, bởi cách tính lãi suất thực tỷ lệ thuận với thời gian vay và thời gian vay càng dài thì lãi suất càng cao. Theo giới ngân hàng tính toán, nếu vay trong thời gian 2 năm thì lãi suất sẽ gấp 2,42 lần, vay trong 3 năm thì gấp 3,84 lần so với gốc ban đầu. Trong trường hợp vay với khoản tiền lớn thì tiền lãi sẽ rất cao, ngang với tiền gốc. Một hình thức mua hàng trả góp khác cũng phải cân nhắc, đó là mua hàng trả góp không lãi suất. Tuy nhiên khi mua theo hình thức này, người mua cần phải cẩn trọng, bởi lẽ gọi là không lấy lãi nhưng trên thực tế giá của mặt hàng này lại được tính cao hơn so với mặt bằng chung. Phần lãi suất thực chất được tính vào phần đội giá của sản phẩm. Hoặc cũng có thể đây là hàng lỗi (?).
Hoạt động cho vay tiêu dùng đang càng được nhiều ngân hàng chú trọng, nhất là khi gói cho vay kinh doanh đang ngày càng khó triển khai. Tìm hiểu tại một số ngân hàng trên địa bàn TP Vinh cũng thấy, hiện cho vay tiêu dùng chiếm 40% trong tổng dư nợ của các ngân hàng và hầu hết đều vay theo hình thức trả góp. Nhưng mỗi ngân hàng có một hình thức cho vay khác nhau và người mua hàng cần phải cẩn trọng khi lựa chọn các gói cho vay. Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) hiện có hai phương thức cho vay, đó là cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay theo hình thức tín chấp (không có tài sản). Với phương thức đầu, mức lãi suất thường được ưu đãi ở 3 tháng đầu và các tháng sau được tính theo mức lãi suất biến động của thị trường. Ở phương thức thứ 2, thủ tục đơn giản vì khách hàng không phải thế chấp tài sản; tuy vậy, theo ông Trần Văn Bắc - Giám đốc chi nhánh ngân hàng tại Nghệ An cho rằng: Khách hàng phải cân nhắc kỹ bởi hình thức này rủi ro cao nên lãi suất phải tính với mức từ 20 - 30%/năm. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng sử dụng hình thức cho vay tín chấp nhưng chỉ giới hạn với những khách hàng có uy tín, có thu nhập ổn định để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, hình thức vay trả góp có thế chấp cũng sẽ khiến khách hàng dễ rơi vào thế bị động, bởi có quy định về thời gian cụ thể. Nếu khách hàng trả trước so với thời gian đã cam kết theo hợp đồng sẽ bị phạt. Tìm hiểu tại công ty Toyota Vinh, bà Võ Thị Bích Phương, Trưởng phòng bán hàng cho biết: Công ty Toyota có công ty tài chính chuyên để cho khách hàng vay khi mua xe. Nhưng khi mua xe theo hình thức trả góp cũng sẽ có hai mặt, ví như nếu muốn sử dụng sản phẩm linh hoạt (lãi suất ổn định) thì khách hàng phải chịu lãi suất cao. Còn nếu sử dụng sản phẩm tối ưu (mức lãi suất theo biến động của thị trường thì phải chịu phạt nếu khách hàng trả trước hoặc trả sau theo thời gian đã cam kết trong hợp đồng). Có lẽ do có nhiều đắn đo về lãi suất nên trong 8 tháng đầu năm, dù công ty Toyota Vinh bán được gần 700 xe nhưng chỉ có khoảng 30 xe mua theo hình thức trả góp thông qua công ty.
Không thể phủ nhận những thuận lợi của hình thức vay mua hàng trả góp, nhất là với những người không thể cùng một lúc có một lượng tài chính lớn. Hình thức này cũng góp phần kích cầu thị trường hàng tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, dù mua hàng bằng hình thức trả góp thông qua ngân hàng, các công ty tài chính hay các nhà cung ứng thì vấn đề đầu tiên mà người tiêu dùng cần phải cân nhắc kỹ đó là cách tính lãi suất và xem xét khả năng tài chính của mình trước khi vay. Đồng thời khi đã vay phải lưu ý thanh toán đúng thời hạn nếu không muốn bị phạt. Ngoài ra, lãi suất vay mua trả góp (đặc biệt là ở những mặt hàng có giá trị thấp) hầu hết đều không giảm theo số dư nợ như vay thông thường, thế nên thời gian vay càng dài thì mức lãi càng nhiều. Vì vậy, trước khi mua, người tiêu dùng cần phải xem xét, tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch và các khoản trong hợp đồng để tránh bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, cần phải khảo sát giá trên thị trường, tránh bị hớ hoặc mua phải sản phẩm cũ kỹ, lỗi thời.
Bài, ảnh: Mỹ Hà
(Baonghean)