Tâm lý "sính" thầy là hệ quả của 4000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn trên địa bàn Nghệ An.
Rong ruổi trên những tuyến đường phố, đi tìm các điểm bỏ mối hàng là công việc quen thuộc của Hồ Thanh Hà suốt gần năm nay. Tiếp thị sản phẩm của mẹ và bé không phải là lựa chọn tốt cho một kỹ sư ngành kỹ thuật trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh sau khi ra trường, thế nhưng, sau một thời gian tìm việc mà không thành công, Hà đã phải làm tạm công việc này trong lúc chờ đợi để tìm một việc làm khác phù hợp hơn.
|
Tiếp thị sản phẩm của mẹ và bé là công việc của kỹ sư Hồ Thanh Hà sau khi ra trường |
Cũng chật vật sau khi ra trường, anh Hồ Vĩnh Thắng ở khối Minh Phúc, phường Hưng Phúc sở hữu 2 tấm bằng đại học gồm khoa Toán trường ĐH Vinh và ngành kế toán trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn loay hoay không tìm được công việc ưng í từ 3 năm nay. Dù không muốn nhưng hiện nay, sau khi nghỉ việc ở một công ty tư nhân với công việc phập phù và đồng lương ba cọc ba đồng, anh Thắng đang phải ở nhà, tìm kiếm thông tin để tìm một công việc mới phù hợp hơn.
Kỹ sư đi làm tiếp thị, cử nhân với 2 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp không phải là hiếm gặp ở Nghệ An hiện nay. Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 4000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn. Đây là một con số đáng lưu tâm.Tuy nhiên, theo nhiều người dân, điều này dễ dàng nhận thấy khi mà trong những năm gần đây, trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, nhiều trường đại học liên tục mở thêm chuyên ngành mới. Và số lượng tuyển sinh năm sau lại luôn cao hơn năm trước. Thậm chí không cần nộp hồ sơ, đến năm học mới, nhiều học sinh cũng nhận được giấy báo hoặc điện thoại mời về trường A, B, C gì đó có tên là lạ để nhập học.
Ông Trần Hữu ở thị xã Cửa Lò cho rằng: Hiện tượng này cũng do chính bản thân những người đi học, thích làm thầy chớ không thích làm thợ nên đi học đại học. Trong lúc đó, có thể đi học nghề sẽ phù hợp với trình độ hơn.
|
|
|
2 phiên giao dịch mỗi tháng tại Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An quá ít ỏi đối với 4000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn trên địa bàn |
|
Thích làm thầy hơn làm thợ được cho là một trong những tâm lý phổ biến của nhiều người dân hiện nay. Điều này cũng lý giải vì sao cứ sau mỗi mùa tuyển sinh, số lượng thí sinh nhập học vào các trường đại học, cao đẳng luôn cao hơn thí sinh vào các trường nghề trong và ngoài tỉnh, dù đôi khi các trường nghề có điểm đầu vào bằng hoặc không cao hơn một số trường đại học dân lập hoặc cao đẳng trên cả nước.
Nghệ An luôn tự hào là mảnh đất hiếu học và học giỏi khisố lượng học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ và đậu với điểm số cao luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Và dĩ nhiên, cùng với số lượng trên dưới 20 ngàn tân sinh viên mỗi năm, thì số lượng kỷ sư, cử nhân tốt nghiệp ra trường hằng năm của tỉnh cũng tương ứng chừng đó. Trong khi, nhu cầu tuyển dụng, cơ hội việc làm mỗi năm cho các em trên địa bàn tỉnh lại rất hạn chế. Ông Đinh Xuân Lâm - Phó giám đốc sở nội vụ Nghệ An cho biết: Mỗi năm theo nhu cầu mà các đơn vị gửi lên thì toàn tỉnh chỉ có nhu cầu đối với 150 công chức và khoảng 1000- 2000 viên chức Trong khi số lượng ra trường là quá đông. Tại một số sở, yêu cầu chỉ tuyển có 1-2 vị trí thì có cả trăm hồ sơ nộp vào…
|
Thầy thì thừa quá nhiều nhưng thợ có tay nghề cao lại quá thiếu |
|
|
Bao nhiêu trong số những sinh viên này trong tương lai có được việc làm là câu hỏi không dễ trả lời |
Ở Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An, đều đặn mỗi tháng có 2 phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ vào ngày mồng 10 và 25 hàng tháng, đối tượng chủ yếu của các phiên giao dịch này là các lao động có trình độ cao. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho các cử nhan, kỹ sư ở đây không nhiều, mà nguyên nhân vẫn là tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ.
Ông Dương Xuân Phúc- Quyền Trưởng phòng thông tin thị trường, Trung tâm giới thiệu việc làm Nghệ An cho biết thêm: Mỗi phiên giao dịch có khoảng từ 100- 150 người đến. Đa số đều là những cử nhân có bằng cấp từ cao đẳng, đại học, thạc sỹ. Họ đến yêu cầu công việc bàn giấy, ở Vinh, lại có thu nhập ổn định, rất khó để đáp ứng.
Trong khi cử nhân thất nghiệp ngày một nhiều và không thể tìm được công việc phù hợp thì thị trường Nghệ An cũng như nhiều tỉnh thành trong khu vực lại rất cần một lượng lớn lao động có tay nghề cao, hay còn gọi là thợ giỏi đến làm việc tại các khu công nghiệp công nghệ cao hoặc các công ty kỹ thuật liên doanh, liên kết với nước ngoài. Cần là vậy, nhưng theo số liệu thống kê, số lao độngqua đào tạo nghề trên địa bàn còn quá thấp, chiếm chưa đến 45%. Riêng lao động kỹ thuật cao chỉ mới được khoảng 7%. Sự mất cân bằng trong vấn đề cung - cầu lao động đang trở thành một nghịch lý của xã hội và là gánh nặng cho nhiều gia đình hiện nay.
Cử nhân, kỹ sư thất nghiệp nhiều là câu chuyện không mới nhưng đang ngày càng nóng hơn. Điều này đang đặt ra yêu cầy bức thiết hơn trong vấn đề phản luồng đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn học phổ thông. Một khi tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” chưa được thay đổi thì áp lực về việc làm sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
Một mùa tuyển sinh mới nữa sắp kết thúc. Đã có hàng nghìn thí sinh của Nghệ An đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Không biết trong số hàng nghìn thí sinh dự thi năm nay, sẽ có bao nhiêu em sẽ tìm được một chỗ ngồi trên giảng đường đại học. Và trong số đó, có bao nhiêu người sẽ tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.
(truyenhinhnghean.vn)