Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 9 tỉnh trên địa bàn cả nước. Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp và phát sinh nhiều chủng loại mới, TP Vinh đang tích cực, chủ động theo dõi và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Trang trại của gia đình anh Hoàng Xuân Dũng ở trại vùng Bắc Trung bộ - xã Nghi Kim, TP Vinh những ngày này đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Lo sợ đàn gia cầm của mình sẽ bị nhiễm bệnh, anh Dũng đã mua các loại thuốc như: Bencosit và Mekobenxibe 80 phun tiêu độc khử trùng tất cả các chuồng trại, ao hồ và đàn gia cầm. Đồng thời, anh dùng vôi bột rải khắp các vùng xung quanh chuồng trại và trên những tuyến đường dẫn vào trang trại. Hiện tại, trang trại của anh có hơn 7.000 con vịt đẻ, trung bình mỗi ngày cho ra lò 5.000 quả trứng vịt lộn. Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay, anh Hoàng Xuân Dũng tỏ vẻ lo lắng:
Nếu đàn vịt mà có vấn đề gì ảnh hưởng do vi rút H5N1 thì đó là một điều đáng lo sợ. Mặc dù đã tiêm phòng một đợt hồi tháng 7/2013 nhưng đến tháng 12/2013, tôi đã tiêm lại cho 1 con 1cc H5 với tổng số liều 6.600 liều. Sang đầu năm 2014 này thì tôi tiêm tiếp mỗi con một liều vắc xin phòng cúm. Với thời tiết hiện tại thì có thể xảy ra nhiều căn bệnh cho đàn vịt…
Theo số liệu của Trạm thú y TP Vinh, hiện nay toàn thành phố có tổng đàn gia cầm hơn 300.000 con tập trung đông nhất ở các xã: Hưng Hòa, Hưng Lộc, Nghi Kim, Nghi Ân, Nghi Đức và Hưng Chính. Phần lớn gia cầm được nuôi nhốt tập trung, nhưng vẫn có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông gia cầm nên công tác theo dõi, quản lý cũng như tiêm phòng gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói, TP Vinh là địa bàn trung tâm, nhưng chỉ mới thành lập được một chốt kiểm dịch tại chân cầu Bến Thủy, còn tại cửa ngõ phía Bắc không có chốt kiểm dịch đã tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn bán vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc vào địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, TP Vinh có nhiều chợ kinh doanh gia cầm và nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Trí, cán bộ Trạm thú y TP Vinh cho biết:
Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Có một số trang trại chăn nuôi gia cầm nằm rải rác, trong khi đó vắc xin phục vụ cho cúm gia cầm chưa đáp ứng được. Các trang trại chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, gối lứa, sau khi loại thải đợt này thì mới chăn nuôi lứa khác, vì vậy đàn gia cầm ở lứa tiếp theo không có đủ vắc xin để tiêm phòng…
Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây, ngày 14/2 Chủ tịch UBND TP Vinh đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UB về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan trên người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Không tiếp tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y cũng đang áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch như: Thực hiện khử trùng tiêu độc ở các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Chị Đặng Thị Minh Tâm – Phó trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết:
Trạm thú y đã giám sát chặt chẽ các phường, xã có các hộ chăn nuôi gia cầm. Thành lập các đội cơ động đi khắp thành phố kiểm tra các trang trại, các tụ điểm, các nhà hàng kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời tuyên tuyền cho người dân biết tác hại của dịch bệnh và phun tiêu độc khử trùng các trang trại, các tụ điểm để tiêu dịch mầm bệnh….
Để bảo vệ đàn gia cầm, tránh thiệt hại về kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành thú y như: Thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; hạn chế tiếp xúc những tác nhân bên ngoài có khả năng mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm. Khi nghi ngờ đàn gia cầm có biểu hiện mắc cúm H5N1, người chăn nuôi không được giấu dịch mà cần báo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt không nuôi thả rông gia cầm, không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bệnh và không được vứt xác gia cầm bừa bãi.
Võ Huyền