Nếu phát hiện có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, cho dù chưa gây ra thiệt hại cũng sẽ bị xử phạt rất nghiêm. Tuy nhiên, thực tế quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ?
Gần đây, thông tin bún, phở nhiễm chất tinopal gây ung thư, gạo mốc bị tẩy trắng bằng hoá chất độc hại, sữa nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Hoặc, thịt thối, phụ gia thực phẩm đã hết hạn, sản phẩm không nhãn mác, rau củ quả sử dụng các chất bảo quản nằm trong danh mục bị cấm vẫn được bày bán công khai tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe mọi người trong cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ em, tương lai của đất nước, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra.
Trước tình hình trên, nhiều người dân băn khoăn đặt câu hỏi, liệu sau hơn 2 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực tế quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ theo luật định?Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản Luật, Nghị định, Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm về ATVSTP và bảo vệ người tiêu dùng, hiện đang có hiệu lực thi hành.
Thế nhưng, hành vi vi phạm ATVSTP vẫn diễn ra khá phổ biến, ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Điều đó cũng có nghĩa, luật đã có, chế tài xử phạt đã có nhưng vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Tại Nghệ An, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, có vụ lên tới hàng trăm người, nhưng rất ít khi nạn nhân khởi kiện đòi quyền lợi. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì, nơi giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng là tòa án. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người tiêu dùng rất ít khi thực hiện quyền khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Người tiêu dùng phải biết cách tự bảo vệ mình trước các mặt hàng thực phẩm - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, đối với sản phẩm lương thực, thực phẩm, các mặt hàng rau củ quả, người tiêu dùng thường mua, bán trao tay tại các chợ, không lưu giữ chứng cứ, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên việc khiếu nại không có cơ sở, nên để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng là rất khó khăn.
Theo các chuyên gia về pháp luật, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ tháng 7/2011, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Luật quy định, cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng thuộc thẩm quyền của tòa án với những điều kiện dễ dàng cho người tiêu dùng khởi kiện như miễn tạm ứng án phí, được xét xử theo thủ tục đơn giản.
Thế nhưng, trên thực tế vẫn chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào đứng ra trực tiếp xử lý các trường hợp khiếu kiện của người tiêu dùng. Ngay cả tòa án cũng chưa áp dụng việc nhận khiếu kiện của người tiêu dùng theo đúng quy định của Luật, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi.Để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất, phía người tiêu dùng cần phải trang bị đầy đủ các kiến thức có liên quan. Khi quyền lợi bị xâm hại thì có thể nhờ tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi.
Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được khi việc mua, bán phải có hóa đơn, chứng từ, với những điều kiện giao dịch rõ ràng, có sự cam kết của người bán về bảo hành, chất lượng sản phẩm. Ngược lại, nếu không có các chứng từ chứng minh thì sẽ bị chịu thiệt thòi, vì người tiêu dùng đã không sử dụng quyền mà pháp luật đã dành cho mình cũng như không thực hiện nghĩa vụ của mình theo như pháp luật quy định. Cùng với quyền lợi, Luật quy định, người tiêu dùng phải có nghĩa vụ trong việc tự bảo vệ mình và với xã hội.
Theo đó, người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; mua hàng hóa, dịch vụ phải có xuất xứ rõ ràng; nếu phát hiện cá nhân, tổ chức kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, như bán hàng giả, hàng nhái... thì phải có nghĩa vụ tố giác ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Những nghĩa vụ này cũng chính là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, vừa góp phần xây dựng một thị trường an toàn và văn minh về ATVSTP.
Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước vấn nạn vi phạm về ATVSTP có thể đang là “bất khả kháng” khi mà người kinh doanh bị lợi nhuận che mất lương tri, dẫn tới kinh doanh các mặt hàng chất lượng kém, hoặc thậm chí không được phép như hiện nay? Để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người tiêu dùng biết được quyền lợi và thực hiện quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật bảo vệ, thì các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải thực thi đúng luật định và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra và xử lý mạnh tay, phạt nặng về kinh tế, nếu nghiêm trọng có thể đề nghị truy tố trước pháp luật. Cần thiết phải áp dụng các biện pháp và chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì mới đủ sức răn đe các hành vi sản xuất, kinh doanh bát nháo, xem thường luật pháp và sức khỏe, cũng như tính mạng của mọi người trong cộng đồng xã hội. Đây cũng là việc cần làm ngay để răn đe những cá nhân và tập thể kinh doanh các mặt hàng liên quan tới ATVSTP vì lợi nhuận riêng mà xem nhẹ tính mạng người tiêu dùng.