Năm ngoái, các lò luỵên thi cấp tốc không có người học, có lò phải giải tán. Mấy hôm nay, các lò luyện thi cấp tốc hoạt động sôi nổi trở lại, nhiều lò phải mở thêm cơ sở 2, cơ sở 3, có lớp học lên đến 3- 4 trăm em !
|
Cảnh chen chúc trước lò luyện thi | Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, các thí sinh từ khắp nơi đổ về Vinh ôn thi, lựa chọn đầu tiên của các sĩ tử là các lò luyện xung quanh khu vực Đại học Vinh. So với năm ngoái, lượng thí sinh năm nay theo học các lớp luyện thi cấp tốc tăng gấp đôi, gấp ba. Dạo quanh một vòng, điều cảm nhận là các lò luyện đang vận hành hết “công suất”, số lượng thí sinh theo học đông, có lớp lên đến 3-4 trăm em, không đủ chỗ ngồi trong phòng học, các em phải ngồi ở hành lang nghe giảng. Chen chúc, ồn ào, đổ xô mua phiếu vào học, đặc biệt là các lò ôn thi khối A, B lịch học kín 4 ca trong ngày, có lớp còn học vào ca 5 (từ 18h30 - 20h30), một ca học có giá 12.000đ/người. Lò luyện thi cấp tốc khối A của thầy giáo Lê Quốc Hán phải mở đến 3 cơ sở mới đáp ứng nhu cầu của các thí sinh, ca học này chưa kết thúc đã có hàng chục em chen nhau mua phiếu vào học ca tiếp theo. Em Lê Huy Khánh (quê huyện Nam Đàn) cho biết: “Thi xong tốt nghiệp, biết được khả năng làm bài của mình, em xuống Vinh ôn thi luôn. Biết rằng một tháng thì cũng không thể “nhồi nhét” được tất cả, nhưng dù sao thì vẫn thấy yên tâm hơn”. Có một số em tìm đến lò luỵên thi với hy vọng sẽ tìm ra phương pháp và kỹ năng làm bài; có em nhằm hệ thống hoá hoặc lấp chỗ hổng kiến thức, nhưng cũng có em tìm đến để trấn an tinh thần, giải quyết khâu tâm lý. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao các lò luyện thi năm nay lại “nóng” trở lại, thầy Nguyễn Văn H. (giảng viên môn Đại số, khoa Toán, ĐH Vinh, người có thâm niên dạy luyện thi cấp tốc) cho biết: “Sở dĩ có hiện tượng trên là do số “dư” các thí sinh năm ngoái trượt tốt nghiệp và đại học nhiều; đa số các em có tâm lý “tín nhiệm” các lò luyện về phương pháp ôn thi, kỹ năng làm bài, cách hệ thống hoá kiến thức; thêm vào đó, là các yếu tố tác động khác từ bạn bè, gia đình. Hơn nữa theo thông tin từ Bộ GD&ĐT sang năm 2010 sẽ thực hiện kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia “2 trong 1” nên áp lực với các sĩ tử ở kỳ thi năm nay là rất lớn.” Tuy nhiên, cũng có một số em đến lò luỵên chỉ để “thử xem sao”, như em Lê Anh Dũng, quê Anh Sơn: “Em theo bạn xuống đây nhưng chỉ học thử một buổi xem sao, thì cũng chẳng có gì khác với cách dạy của thầy cô ở trường em, lại còn phải đi xa, phải lo chuyện ăn, ở, các lớp ôn thì chật chội, chen chúc. Em quyết định sẽ về quê học tiếp lớp mở tại trường”. Ở các huyện, các lớp ôn thi ĐH, CĐ được thành lập do các thầy giáo có uy tín ở các trường phổ thông tổ chức. Những lớp ôn thi này được mở ngay khi các em bước vào học lớp 12, học theo kiểu “học đến đâu, ôn tập đến đấy”, chứ không theo hình thức “cấp tốc” như các lò luyện ở ĐH Vinh, mỗi buổi học nộp từ 5-7.000đ, trong quá trình học có kiểm tra, thi thử, do đó giáo viên nắm được học lực của học sinh, biết các em “hổng” chỗ nào, phần nào để dạy kỹ, ôn tập kỹ vào phần đó. Vậy nên, các lớp luyện thi ở các địa phương trong thời gian gần đây phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ôn thi của các em, đồng thời giảm tải lượng học sinh các nơi đổ xô về Vinh ôn thi cấp tốc trong tháng cao điểm, hạn chế tốn kém cho phụ huynh… Các sĩ tử muốn tìm cho mình một chỗ ôn tập với hy vọng có được hiệu quả cao là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, các thí sinh cũng nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn nơi ôn thi. Vả lại theo chủ trương “ba chung”, với các môn thi trắc nghiệm, đề thi bám sát sách giáo khoa thì có nên chen chúc vào các lớp luyện thi cấp tốc ở thành phố !?
Bài, ảnh: Thanh Phúc - Baonghean
|