Trong Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có đoạn viết: “Biển được gắn trên đầu cột sắt đường kính tối thiểu 10cm, được chôn vững chắc, khoảng cách từ mặt đất đến đầu cột cao khoảng 250cm, vị trí cột ở gần mép góc vuông vỉa hè của hai đường, phố giao nhau; hai biển tên hai đường, phố giao nhau gắn vuông góc với nhau trên một cột. Tại nơi gắn biển có cột điện ở vị trí thích hợp thì biển có thể được gắn trên cột điện đó”.
Tuy nhiên, việc vận dụng Nghị định này về việc gắn biển tên đường ở thành phố Vinh còn quá rập khuôn. Dạo một vòng quanh thành Vinh, ngoài những trục đường chính như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Đại lộ Lê Nin… biển tên đường được gắn vào cột sắt rất ngay ngắn theo quy định thì nhiều trục đường khác cắt trục đường lớn và các trục đường nhỏ hơn lại hoàn toàn khác. Thay vì gắn vào cột sắt, nhiều tên đường đã chiễm chệ nằm “vắt vẻo” trên cột điện, cột đèn, trên tường nhà và cả trên… cây xanh.
Dù rằng, việc treo biển tên đường trên cột điện đã có Nghị định cho phép nhưng rõ ràng trong Nghị định có viết là: “Tại nơi gắn biển có cột điện ở vị trí thích hợp thì biển có thể được gắn trên cột điện đó”. Song, vì tình trạng chung là hầu như cột điện nào ở Vinh cũng ở vị trí “thích hợp” để treo biển tên đường. Cột điện lại có đặc thù là dây điện quấn chằng chịt nên khi “nằm” vào đây, biển tên đường đã bị che khuất.
Khoảng cách giữa biển tên đường của một số đường “ở nhờ” trên cột điện cũng không được chính xác, hay nói cách khác là bạ đâu treo đó. Không những thế, có trường hợp như đường Hồ Sỹ Đống còn bị cả 1 hộp cầu giao án ngự trước mặt và có lẽ khó cho người đi đường khi tìm những con đường kiểu này.
Thiết nghĩ, tên đường, tên phố của một đô thị phản ánh lịch sử và truyền thống văn hóa không chỉ của đô thị đó mà còn là của cả một cộng đồng rộng lớn hơn, của một tỉnh, một vùng, của cả nước. Và nó thể hiện nhận thức và tâm thức văn hóa của cộng đồng, trong đó có các nhà quản lý, quy hoạch đô thị và tầng lớp trí thức của cộng đồng đó. Vì vậy, đã đặt tên đường sao lại không cho tên đường một chỗ đứng thích hợp?
Tác giả bài viết: Hải Sâm
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An
Nguồn tin: Báo Công An Nghệ An