Diễn biến mới trong vụ “lùm xùm” điều hành giá xăng dầu, đó là Bộ Công Thương khẳng định tại thời điểm giảm giá xăng ngày 26.8 doanh nghiệp lỗ, nhưng hôm qua Petrolimex nói lại: khi đó họ đang lãi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - khẳng định có dấu hiệu gian lận. Ông Nguyễn Anh Tuấn nói:
- Tại cuộc hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng dầu do bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì ngày 20.9, cán bộ Bộ Công thương liên tục công kích và khẳng định việc Bộ Tài chính quyết định giảm giá vào thời điểm 26.8 là “bị làm sao” vì thời điểm đó doanh nghiệp đang lỗ.
|
Người dân mong đợi giá xăng dầu tới đây sẽ minh bạch. Trong ảnh: tại một điểm bán xăng trên đường Láng Hạ, Hà Nội |
Thế nhưng, ông Bùi Ngọc Bảo - tổng giám đốc Petrolimex - khi được hỏi lỗ lãi từng mặt hàng thế nào cũng không nói rõ ra, không bóc tách được. Nói thế có thể nghĩ đến khả năng có dấu hiệu gian lận trong quản trị doanh nghiệp.
Trong khi đó, sau khi dư luận lên tiếng, ngày 21.9 ông Bùi Ngọc Bảo đã gặp gỡ báo chí và khẳng định đúng là tại thời điểm 26.8, Petrolimex đang lãi từ 129 đồng/lít đến trên 400 đồng/lít. Đây là điều rất đáng suy nghĩ về tính minh bạch của doanh nghiệp.
Kiểm tra vì có dấu hiệu vi phạm
Bộ Tài chính quyết định kiểm tra bốn doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn. Tại sao có quyết định này?
- Việc kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối là thực hiện đúng chức năng của Bộ Tài chính nhằm làm rõ một số
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn |
vấn đề. Tất nhiên, chúng tôi nhận thấy có vấn đề và dấu hiệu vi phạm nên mới tiến hành kiểm tra. Việc kiểm tra cũng nhằm làm rõ các yếu tố cấu thành giá, xem doanh nghiệp khó khăn đến mức nào để làm cơ sở điều hành, kết quả kinh doanh cũng như việc chấp hành các quyết định điều hành về quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Việc kiểm tra sẽ được thực hiện bởi các cơ quan có chuyên môn của Cục Tài chính doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá. Cụ thể, có ba đoàn được cử đi, trong đó hai đoàn do Cục Tài chính doanh nghiệp làm nòng cốt và đứng đầu, một đoàn do một cục phó Cục Quản lý giá đứng đầu.
Thưa ông, đại diện Bộ Công thương trong cuộc hội thảo đã khẳng định doanh nghiệp lỗ tại thời điểm 26.8, Petrolimex lại vừa khẳng định thời điểm đó họ lãi, hiểu vấn đề này ra sao?
- Điều này chứng tỏ các quan chức đại diện Bộ Công thương có mặt ở hội thảo có lẽ chỉ nghe thông tin một chiều từ phía các đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc họ không biết thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối như thế nào.
Như vậy, việc Bộ Tài chính dựa vào số liệu hải quan để làm căn cứ là chính xác?
- Đúng. Việc dựa vào số liệu hải quan nhằm xem xét thực chất kinh doanh của doanh nghiệp là căn cứ quan trọng để quyết định giảm giá xăng dầu trong điều kiện lạm phát rất cao hiện nay, đe dọa ổn định vĩ mô và an sinh xã hội. Theo số liệu hải quan thì ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/lít, Petrolimex còn khoản 780 đồng/lít.
Ngày 20.9, đại diện Bộ Công thương khẳng định tính đến 26.8 doanh nghiệp lỗ, ông Bảo không nói gì. Ngày 21.9 ông Bảo khẳng định lãi, trong đó có mặt hàng lãi trên 440 đồng/lít. Vậy câu hỏi đặt ra khoản chênh giữa 440 đồng/lít đó với 780 đồng/lít có phải do doanh nghiệp đã chi các khoản không hợp lý như chiết khấu hay các chi phí khác khiến “hụt” khoản 780 đồng/lít hay không?
Vấn đề này sẽ được làm rõ sau cuộc kiểm tra. Quan điểm của Bộ Tài chính là chỉ tính và điều hành dựa vào những yếu tố hình thành giá hợp lý, chứ không chấp nhận những yếu tố cấu thành giá doanh nghiệp khẳng định nhưng bất hợp lý.
Thực tế cho thấy chỉ dựa vào số liệu của doanh nghiệp chưa chắc đã đúng?
- Tôi cho rằng căn cứ vào số liệu của hải quan là cần thiết. Thời gian qua việc tính toán các thông số giá và điều hành một phần quan trọng là dựa vào dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp. Ngay giá tham chiếu là giá xăng dầu trên thị trường Singapore mà chúng ta dựa vào để tính toán điều hành, thì giá đó có thể không phải giá thực giao dịch, cũng không thể khẳng định có đúng doanh nghiệp họ mua giá đó hay không.
Nên Bộ Tài chính ngoài việc căn cứ vào giá cơ sở thì phải biết thực chất lỗ, lãi từ số liệu thực nhập của hải quan.
Bộ Tài chính đã làm đúng luật, phải căn cứ vào rất nhiều thông tin nên tôi nghĩ đó chính là lý do tại sao bộ chưa thể quyết định giảm giá ngay vào đầu tháng 8.2011 khi áp lực dư luận rất lớn, mà phải sau hơn 20 ngày nghiên cứu kỹ Bộ trưởng Vương Đình Huệ mới quyết giảm giá.
Sẽ xem xét khoản hoa hồng
Khi mua xăng dầu, nhà cung cấp có dành một khoản hoa hồng cho người mua, khoản này có được đưa vào doanh nghiệp hay “chạy” đi đâu?
- Đấy cũng là vấn đề chúng tôi muốn và sẽ kiểm tra. Tôi không khẳng định trong các số liệu mà doanh nghiệp báo cáo đã có khoản hoa hồng hay chưa và họ có nhận được khoản này hay không. Tuy nhiên, đúng là có nhiều nghi ngờ khoản này.
Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch thanh tra năm 2012, trong đó có định hướng sẽ thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thanh tra sẽ làm rõ được các khoản tiền trong kinh doanh xăng dầu. Khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ công bố xem thực chất vấn đề này như thế nào.
Các đoàn kiểm tra bốn doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tiến hành chưa, bao giờ kết thúc?
- Sang tuần tới, các đoàn kiểm tra sẽ chính thức đến các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra. Dự kiến việc kiểm tra kéo dài từ 7-10 ngày và sẽ được tiến hành đúng pháp luật, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính. Chúng tôi cũng sẽ công khai các kết quả kiểm tra.
Ông Lê Minh Hội (phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, Cục Hải quan TP.HCM): Giá hải quan nắm là chính xác
Là đơn vị trực tiếp phụ trách thủ tục thông quan các lô hàng nhập khẩu xăng dầu về TP.HCM nên chúng tôi nắm rõ xăng dầu nhập khẩu có hai giá. Giá tại thời điểm thông quan hàng là giá tạm tính. Sau đó doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải khai lại giá để tính thuế.
Hải quan dựa vào giá do doanh nghiệp khai lại, có kiểm tra, đối chiếu các chứng từ liên quan và tính thuế lô hàng. Vì thế, giá do doanh nghiệp khai lại là giá nhập khẩu chính xác. Thông thường để có được giá nhập khẩu chính xác nhanh thì chỉ sáu ngày sau khi thông quan hàng đã có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu khai lại giá đúng, chậm thì khoảng hơn ba tuần.
Ông Lê Xuân Trường (phó trưởng khoa thuế - hải quan, Học viện Tài chính): Chi phí đã bao gồm lãi 300 đồng/lít
Cách tính giá cơ sở hiện nay dễ gây nhầm lẫn. Giá cơ sở đã gồm cả chi phí kinh doanh 600 đồng/lít, cũng đã có cả khoản lãi 300 đồng/lít cho xăng dầu. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn hay kêu khó khăn là đang phải bán dưới giá cơ sở.
Nói như vậy cứ như họ lỗ, nhưng thực chất chưa chắc mà có thể vẫn có lãi. Tôi đề nghị phải xem lại cách tính giá cơ sở. Giá này phải là giá thấp nhất doanh nghiệp có thể bán để hòa vốn chứ không phải giá thấp nhất nhưng vẫn có lãi.
Ông Ngô Trí Long (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả): Nhập nhằng giá nhập khẩu
Cơ chế giá đã rõ: thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%. Các mức trích quỹ bình ổn giá, phí xăng dầu cũng được công khai. Chỉ có khoản chi phí kinh doanh thực tế (tức chi phí định mức mà Bộ Tài chính quy định là 600 đồng/lít) và giá nhập khẩu từng mặt hàng là chưa được công khai và doanh nghiệp cố tình làm mù mờ những điểm này.
Tuy nhiên, để làm rõ ràng chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp không khó. Chiết khấu của doanh nghiệp cho đại lý có đúng quy định không, thời điểm chiết khấu ra sao? Còn với giá nhập khẩu, doanh nghiệp thường yêu cầu tăng giá xăng là theo giá tham chiếu tại Singapore và hiện nay cũng liên tục than lỗ vì không tăng được khi giá tại Singapore tăng. Nhưng thực tế cũng không khó để làm rõ ràng chuyện này.
Ngành hải quan có dữ liệu cụ thể Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro... nhập hàng về ngày nào, mức giá, số lượng là bao nhiêu... để có thể tính lời lỗ từng mặt hàng.
Theo Tuổi trẻ