Từ một công ty con, người ta có thể nghĩ về cách hạch toán của công ty mẹ là Petrolimex. Chính Petrolimex hạch toán theo cách nào? Chưa ai biết được, nếu như không kiểm toán.
Có một thực tế là sau khi kiểm toán, quý nào, năm nào cũng có một số công ty giấu lỗ bị kiểm toán phát hiện, rất hiếm có công ty giấu lãi. Trong số hiếm hoi những công ty giấu lãi, đáng chú ý là Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán PLC), một công ty con của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Liên tục giấu lãi
PLC là công ty có vốn điều lệ hơn 430 tỷ đồng, Petrolimex nắm giữ gần 80% cổ phần, tức là Petrolimex chi phối mọi hoạt động của PLC. Điều ai theo dõi thị trường chứng khoán cũng có thể thấy là PLC đã liên tục “giấu lãi” với số tiền quá “khủng”. Báo cáo tài chính mới nhất của PLC là 6 tháng đầu năm 2011. Trước kiểm toán, lợi nhuận trước thuế 134,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103,5 tỷ đồng.
|
Một kho sản phẩm của PLC. |
Tuy nhiên, sau khi soát xét, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam chỉ rõ: “Theo chính sách kế toán của công ty, thành phẩm và hàng hóa được xác định theo phương pháp giá hạch toán. Chênh lệch giữa giá hạch toán và giá thực tế của thành phẩm, hàng hóa được phân bổ cho giá trị thành phẩm, hàng hóa xuất bán và giá trị hàng hóa, thành phẩm tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Nếu thực hiện phân bổ chênh lệch giữa giá hạch toán và giá thực tế theo đúng phương pháp nêu trên thì giá vốn hàng bán 6 tháng đầu năm 2011 sẽ giảm 88.706 triệu đồng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2011 sẽ tăng lên với giá trị tương đương”.
Nghĩa là nếu căn cứ theo giá thực tế, thì khoản lãi thật của PLC trong 6 tháng đầu năm phải tăng thêm 88,7 tỷ đồng (tính tròn), đó chính là khoản lãi thật được “giấu” trong chi phí theo giá hạch toán. Dù kiểm toán còn lưu ý lợi nhuận có giảm 19,3 tỷ đồng nếu trích lập dự phòng khó đòi đầy đủ tại một công ty con của PLC, nhưng khoản lợi nhuận hợp nhất tăng thêm sau kiểm toán vẫn rất lớn.
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, PLC chỉ công bố phần chênh lệch sau kiểm toán của công ty mẹ: Tăng thêm 60,4 tỷ.
Trước đó, trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2010, khoản chênh lệch lợi nhuận hợp nhất được “giấu” trong chi phí theo giá hạch toán theo phương pháp nói trên lên tới 129,8 tỷ đồng.
Chưa hết, khoản lợi nhuận được “giấu” tương tự trong 6 tháng đầu năm 2009 là 61,6 tỷ đồng. Những khoản đó đều do Công ty Kiểm toán Deloitte chỉ ra. Các khoản lợi nhuận thật được “giấu” trong chi phí hạch toán đó sẽ đi về đâu nếu như không được kiểm toán?
Con sai, mẹ có đúng?
Từ một công ty con, người ta có thể nghĩ về cách hạch toán của công ty mẹ là Petrolimex. Có thể khẳng định việc hạch toán “giấu lãi” theo cách trên đây PLC chắc chắn thực hiện theo sự chỉ đạo của công ty mẹ, vì như đã nói, Petrolimex có quyền chi phối mọi hoạt động của PLC. Còn chính Petrolimex thì hạch toán theo cách nào? Chưa ai biết được, nếu như không kiểm toán.
Khi kiểm tra tài chính Petrolimex, ngoài việc kiểm tra giá thật từ nguồn cung nhập khẩu xăng dầu và các chi phí kinh doanh, chi phí quản lý, còn phải kiểm toán các báo cáo tài chính của Petrolimex giống như đã kiểm toán báo cáo tài chính của PLC.
Vì vậy, theo chúng tôi, khi kiểm tra tài chính Petrolimex, ngoài việc kiểm tra giá thật từ nguồn cung nhập khẩu xăng dầu và các chi phí kinh doanh, chi phí quản lý, còn phải kiểm toán các báo cáo tài chính của Petrolimex giống như đã kiểm toán báo cáo tài chính của PLC. Nếu làm được như vậy, sẽ biết được một phần sự thật.
Chúng tôi nói “sẽ biết được một phần sự thật”, bởi vì muốn biết được toàn bộ sự thật thì phải kiểm tra cả chất lượng xăng dầu nữa. Trên cơ sở xác định được các chỉ số thật về hàm lượng lưu huỳnh cũng như các yếu tố khác trong các lô xăng dầu nhập khẩu, rồi đối chiếu với các chỉ số ghi trong hóa đơn, đối chiếu với giá cả tương ứng từ chính nguồn cung cũng như các hãng khác trên thế giới, khi ấy mọi thứ mới có thể sáng rõ. Nhưng, chắc chắn là làm được điều này không dễ chút nào!
Hoàng Nam (Dân Việt)