Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là thịt, sẽ tăng 3-5% trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, sẽ không có khan hiếm xảy ra do lượng thiếu hụt sản xuất trong nước sẽ được bù đắp bằng nhập khẩu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có buổi làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề bình ổn thị trường nội địa.
Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng 3-5% trong 6 tháng cuối năm. Riêng nhu cầu tiêu thụ thịt hơi dự kiến đạt 2,4-2,5 triệu tấn, so với nguồn cung khoảng 2,26 - 2,38 triệu tấn. Lượng thịt thiếu hụt (khoảng 0,12-0,13 triệu tấn) sẽ được bù đắp bởi nhập khẩu.
Nhu cầu thịt sẽ tăng 3-5% trong 6 tháng cuối năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Riêng về nguồn cung trong nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết đang phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, đảm bảo giống, nguồn thức ăn và điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Bộ cũng chỉ đạo chặt chẽ phòng chống dịch, kiểm soát giá đầu vào đối với sản xuất chăn nuôi, điều chuyển vật nuôi giữa các vùng, miền khi có chênh lệch giá quá cao.
Về lương thực, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng lúa năm 2011 dự kiến đạt 41,6 triệu tấn, tăng gần 1,6 triệu tấn so với năm 2010. Sau khi cân đối nhu cầu trong nước ở mức 27,52 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa còn dư trên 14 triệu tấn (tương đương 8 triệu tấn gạo) chưa kể lượng tồn kho năm 2010 chuyển sang.
Bộ khẳng định khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với lương thực, thực phẩm. Thực tế, ngay từ đầu tháng 8, riêng với sản phẩm thịt, nguồn cung các loại đã tăng và giá đã giảm.
Sau khi nghe báo cáo tình hình, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tập trung sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường từ nay đến hết Tết 2012.
Để tạo nguồn cung ổn định, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cây, con giống và xây dựng thành cơ chế chính sách dài hạn để nông dân yên tâm sản xuất. Phó thủ tướng cho rằng đây là cách làm hiệu quả nhất góp phần kiềm chế đà tăng giá đầu vào sản xuất.
Ngoài ra, đại diện Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần phối hợp với Tổng cục Thống kê rà soát lại số liệu, đồng thời cần có thống kê theo các lĩnh vực quản lý, từ đó có các quyết định kịp thời, chính xác trong việc bình ổn giá, nhất là giá lương thực - thực phẩm trên thị trường.
(Theo Chinhphu.vn) |