Ngày 19/4, tỷ giá bình quân liên ngân hàng của VND với USD tiếp tục tăng lên, chênh lệch với tỷ giá tự do tiếp tục được thu hẹp. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD áp dụng cho ngày 19/4 ở mức 1 USD = 20.733 VND.
Sau khi đứng yên ở ngày đầu tuần (18/4), tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng thêm 5 VND, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Với biên độ +/-1%, mức trần tỷ giá của các ngân hàng thương mại áp dụng cho ngày hôm nay là 20.940 VND.
Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá tự do đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 10 - 50 VND.
Trong khi đó, giá USD bán ra trên thị trường tự do cuối tuần qua và đầu tuần này chỉ dao động từ 20.950 - 21.000 VND. Với mức trần 20.940 VND trong ngày hôm nay, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá tự do tiếp tục được thu hẹp chỉ còn khoảng 10 - 50 VND. Đây là khoảng cách hẹp nhất trong hơn một năm qua.
Trước đó, chênh lệch lớn giữa hai tỷ giá duy trì trong thời gian dài, đặc biệt là mức chênh từ 1.000 - 2.000 VND có từ khi tỷ giá trên thị trường tự do liên tiếp leo thang trong tháng 10/2010 đến đỉnh điểm đầu tháng 2/2011.
Đáng chú ý là cuối tuần qua, nhiều thông tin cùng phản ánh giá USD mua vào trên thị trường tự do đã xuống thấp hơn so với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại, chỉ từ 20.900 - 20.910 VND, thấp hơn từ 10 - 15 VND.
Diễn biến trên được giải thích từ phản ứng của thị trường tự do trước chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 2% và đặc biệt là áp trần lãi suất huy động USD tối đa 3%/năm đối với tiền gửi cá nhân.
Trao đổi với VnEconomy chiều 18/4, bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) nhận định, thời gian gần đây nguồn cung ngoại tệ đã bớt căng thẳng, người dân và doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho ngân hàng. Đây là kết quả tích cực từ loạt chính sách can thiệp vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.
Về tác động của chính sách áp trần lãi suất USD, bà Nga cho biết bước đầu có sự dịch chuyển, người dân bán lại ngoại tệ lấy VND để gửi tiết kiệm khi tính toán lợi ích từ chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên sự dịch chuyển này vẫn còn chậm và cần có thêm thời gian để theo dõi.
Và theo quan điểm của đại diện này, việc dịch chuyển nói trên còn phụ thuộc vào niềm tin của người dân đối với VND, đặc biệt là với khả năng kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Trong bối cảnh lạm phát cao, nhiều người dân vẫn có tâm lý nắm giữ đồng USD như một giải pháp bảo vệ tài sản và chênh lệch lãi suất lúc này chưa hẳn là yếu tố quyết định cho chuyển đổi.
Theo VnEconomy |