Tháng 12 năm 2010, UBND tỉnh có Quyết định số 6138/QĐ-UBND.ĐT về việc công nhận làng nghề hoa cây cảnh làng Kim Chi thuộc xã Nghi Ân (TP Vinh). Đây là một trong những làng nghề hoa cây cảnh đầu tiên ở Nghệ An, mở ra một sắc mới cho nghề hoa cây cảnh trong không khí đón chào xuân mới.
Nghề trồng hoa cây cảnh ở làng Kim Chi, có thể nói chưa phải là một nghề lâu đời nhưng có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với bà con trong làng Kim Chi. Làng nghề hiện nay có 152 hộ dân, thì đã có 133 hộ làm nghề hoa cây cảnh (chiếm 87,5%) với 173 lao động (chiếm 48% tổng số lao động của làng). Với diện tích 59,1 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất vườn 22 ha, đất sản xuất nông nghiệp 37,1 ha thì chủ yếu là trồng hoa và cây cảnh. Nghề hoa cây cảnh du nhập vào làng như một tơ duyên trong thời buổi kinh tế khó khăn của những năm 80 của thế kỷ trước. Những năm 1982, một số hộ dân thuộc xóm Kim Chi do điều kiện kinh tế khó khăn, nên một số lao động đã "rủ" nhau đi các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh để "kiếm kế sinh nhai". Trong quá trình "mưu sinh" những lao động này phát hiện nghề trồng hoa cây cảnh phù hợp với điều kiện đất đai của làng mình, trong các dịp về thăm nhà họ đã thử mua cây giống về trồng. Ban đầu lượng còn ít nên việc tiêu thụ chưa hấp dẫn người dân địa phương.
Sau này, Thành phố Vinh nhu cầu về các loại hoa cây cảnh phát triển; bên cạnh đó, đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao nên ít địa phương trong tỉnh có nghề này; đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho làng Kim Chi có những bước tiến đột phá cho nghề hoa cây cảnh. Đến hết năm 2010, làng nghề đã thu hút 173 lao động làm nghề; giá trị sản xuất từ nghề hoa cây cảnh của làng đạt khoảng 7.818 triệu đồng, chiếm 59% tổng thu nhập của làng; thu nhập bình quân lao động được tăng lên, năm 2010 đạt 22,6 triệu đồng/lao động/tháng, cao hơn 21,5% so với mức thu nhập bình quân của làng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của làng đạt 15%.
Qua quá trình phát triển của nghề hoa cây cảnh ở làng Kim Chi (Nghi Ân - TP Vinh), cho thấy đây là một nghề mang lại hiệu quả cao, phù hợp với tính chất nông nghiệp đô thị; là một nghề thân thiện với môi trường, càng phát triển ngành nghề này càng mang lại tính thẩm mỹ, sự trong lành cho môi trường sống. Với hàng chục loại cây cảnh và hàng trăm loại hoa tại làng nghề Kim Chi đang đem lại cho làng quê một sắc thái mới. Đến với làng chúng ta thật sự ngưỡng mộ người trồng cây cảnh, với đôi tay khéo léo họ đã thổi hồn vào cây để tạo ra những tác phẩm mang những nét độc đáo riêng có của từng người từ các thế: hạc lập, trực siêu, mẫu tử tương thân;.. đến những cây sanh uốn thành các hình long, phụng...
Với thời gian phát triển chưa dài, so với tính chất của nghề hoa cây cảnh vốn đòi hỏi hàng trăm, hàng nghìn năm, nhưng những kết quả của làng thật đáng khích lệ. Tuy nhiên, trên thực tế làng vẫn còn những khó khăn để có thể phát triển bền vững như: chất lượng các loại hoa và cây cảnh nhìn chung vẫn còn thấp và chưa đồng đều. Diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nguồn giống vẫn chưa chủ động được. Đa số người trồng hoa và cây cảnh vẫn ở quy mô gia đình từ vài chục đến vài ngàn mét vuông; nhiều người trồng hoa cho biết: có những vụ được mùa hoa nhưng lại không vào đúng đợt lễ hội, ngược lại đến mùa lễ hội thì lại không có hoa để bán. Từ đó đã dẫn đến nghịch lý, lễ hội phải nhập hoa, ngày thường thì hoa thừa kéo theo giá tụt. Trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong ngành trồng hoa, cây cảnh của người trồng ở làng Kim Chi chưa đều, đặc biệt là kiến thức về thổ nhưỡng, cây trồng, sâu bệnh, thiếu thông tin về thị trường, kỹ thuật, giống hoa mới...việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đều do người trồng hoa và cây cảnh tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Vì vậy, việc được công nhận làng nghề trồng hoa và cây cảnh Kim Chi hiện nay là một thuận lợi để làng nghề nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, có chính sách thuận lợi cho người trồng hoa và cây cảnh.
Phan Cường
Nguồn: Báo Nghệ An