Những ngày mùa hạ, đi giữa màu nắng vàng sóng sánh, tôi chợt liên tưởng đến bát nước chè xanh quê hương. Bao năm đi xa nhưng hương thơm và vị đậm lưỡi của thứ thức uống dân dã ấy vẫn thường hiện về nhắc nhớ những ký ức xưa cũ nơi quê nghèo.
Ngày ấy sau nhà tôi là một đồi chè. Sau mưa, búp chè lên xanh mơn mởn. Mỗi sáng sớm, khi sương còn đọng trên cây lá, bà tôi lại mang rổ lên đồi hái chè. Bằng tay, bà bẻ những cành lá nhỏ, dày, màu xanh nái, thân to vừa và hơi cứng.
Nhiều hôm, tôi lẽo đẽo theo sau nghe bà giảng giải “Phải chọn lá chè không non quá mà cũng không già quá. Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm.
Hái chè thì phải hái bằng tay, đừng qua chuyện mà cắt bằng liềm, thân chè sẽ bị chảy nhựa nhiều, khó lành lại và lâu nảy lên búp chồi mới”. Sau đó bà cẩn thận rửa sạch, vò nhẹ nhàng từng thân, lá chè. Đến lúc này bà mới sai tôi múc đầy những gáo dừa nước mưa vào chiếc ấm đất úp cạnh bể nước.
Bà nhóm bếp bằng củi xoan đâu, củi tre hay củi bạch đàn, bắc ấm đất lên. Nước sôi già, bà cho chè vào, sau 5 - 10 phút, lấy chiếc đũa nhận chè cho chìm xuống nước rồi hạ lửa nhưng vẫn nên để nồi trên bếp có than nóng mà giữ nhiệt. Có hôm, bà om chè, cho chè đã vò vào ấm rồi đổ nước sôi nóng lên xâm xấp.
Sau đó đem ấm đi ủ trong chăn bông. Có người ghé thăm nhà, bà lại rót ra bát keng xanh mời uống. Ôi! thứ nước chè trong những chiếc bát tráng men cũ kỹ ấy, màu xanh nái pha vàng mới tươi nhuận, sóng sánh, hương vị mới ngọt ngào, lan toả làm sao.
Đó là vị thơm ngon của lá chè được tắm đẫm trong sương đêm, vị ngọt tinh khiết của nước mưa hiếm vùng gió lào cát trắng. Nó như có men say làm cho những câu chuyện bên chiếc chõng tre càng thêm rôm rả, say sưa.
Những người nông dân xứ Nghệ còn có cách uống chè rất độc đáo, cho một ít mật mía vào bát nước chè, uống vào sẽ đỡ đau lưng, mỏi gối, nhức đầu sau những buổi lam lũ trên ruộng đồng.
Những ngày mùa hạ, đi giữa nắng gió đất trời, thứ thức uống giản dị mang hồn vía của quê hương chợt hiện về trong ký ức tôi, và một khúc tâm tình chợt ngân nga giữa bộn bề cuộc sống “Để cùng hát khúc dân ca quê mình, Để tôi sống giữa bao nhiêu ân tình, Bao ân tình mộc mạc làng quê, Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh” (Ca dao em và tôi - An Thuyên).