| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 2,533
Tất cả: 98,743,116
 
 
CẨM NANG DU LỊCH - HỆ THỐNG GIAO THÔNG
Khám phá Pu Xai Lai Leng

 Đỉnh Pu Xai Lai Leng thuộc dãy Trường Sơn như "nóc nhà", bức trường thành kỳ vĩ che chắn một vùng cực Tây nam Xứ Nghệ. Pu Xai Lai Leng có những bí ẩn hấp dẫn du khách khám phá...

Với Thành Cường - “phượt thủ” có tiếng ở xứ Nghệ thì ngọn núi Pu Xai Lai Leng (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là niềm khao khát chinh phục. Từng leo lên đến tận Phan Xi Păng, Mã Pì Lèng nhưng Cường đã thất bại trong việc tìm đường lên đỉnh ngọn núi cao thứ 11 Việt Nam, cao thứ 3 dãy Trường Sơn này. Được rủ rê khám phá Pu Xai Lai Leng, Cường đặc biệt thích thú, hào hứng: “Người Nghệ mà không lên được nóc nhà của mình thì khó chịu thật”….
 
 
Một nhóm du khách chinh phục thành công đỉnh Pu Xai Lai Leng.
Một nhóm du khách chinh phục thành công đỉnh Pu Xai Lai Leng.

Pu Xai Lai Leng là ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn Bắc, có đỉnh cao vượt trội 2.720m, nằm trên đường biên giới Việt Nam và nước bạn Lào. Có thể ví dãy Trường Sơn là “xương sống” của bán đảo Đông Dương thì Pu Xai Lai Leng chính là một “đốt xương sống cổ”.

Hành trình đến Pù Xai Lai Leng băng qua những đoạn dốc cao, vực sâu
Hành trình đến Pù Xai Lai Leng băng qua những đoạn dốc cao, vực sâu.
Để lên được Pu Xai Lai Leng, từ Thành phố Vinh - trung tâm của tỉnh Nghệ An, chúng tôi theo Quốc lộ 7, vượt gần 270 km theo hướng Tây để đến với Na Ngoi. Từ Quốc lộ 7 nối ngã ba Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, giao thông bắt đầu xấu dần, trở thành một thử thách với đèo cao, đường sạt lở, gập ghềnh, lầy lội. Vào ngày nắng đường đi bụi bặm, cả xe máy, ô tô đều lồng lên như ngựa chồm; ngày mưa thì xe ô tô không thể vào, xe máy phải bò trườn cả ngày trời mới vượt nổi 40 km vào trung tâm xã. Mùa mưa, cánh xe ôm ở Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương nhận chở khách vào Na Ngoi với giá 1,5 triệu đồng cho hơn 60 km. Trước đây, kế hoạch chinh phục Pu Xai Lai Leng của Thành Cường và nhóm bạn bị “vỡ” do không ước định hết sự khó khăn của giao thông trong ngày mưa; vào đến xã Nậm Càn các “phượt thủ” phải hậm hực quay về.
 
Băng qua những rừng cây bụi thấp với cảnh sắc bất ngờ.
Băng qua những rừng cây bụi thấp với cảnh sắc bất ngờ.
 
Chúng tôi đã đến nơi này! Pu Xai Lai Leng hiện lên đồ sộ như một bức trường thành hùng vĩ. Trên đỉnh núi cột mốc giới 422, bên kia núi là huyện Mường Mộc của tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào; dưới chân Pu Xai Lai Leng thuộc địa phận Việt Nam là 19 bản của xã Na Ngoi với hơn 5.000 nhân khẩu, người Mông chiếm trên 80%, người dân tộc Thái chỉ là “thiểu số” còn lại ở đây. Pu Xai Lai Leng được dịch nghĩa là “lang thang đi đâu cũng thấy”, ý nói về độ cao ngất ngưởng của núi.
 
Với những người dân tộc Mông, Pu Xai Lai Leng là ngọn núi thiêng, huyền bí; ngự trên đó là nhà trời. Truyền thuyết về Pu Xai Lai Leng rất nhiều, nhưng chung quy lại là giải thích về nguồn gốc của dòng Nậm Khiên và ngọn núi bảo vệ dân lành. 
 
 
Con đường chinh phục  Pu Xai  Lai Leng.
Con đường chinh phục Pu Xai Lai Leng.
 
Pu Xai Lai Leng cũng là nơi đóng chân của lực lượng bộ đội biên phòng. Muốn khám phá núi cao, mọi người khi đến đây đều phải vào Đồn Biên phòng Na Ngoi đăng ký theo quy định. Các cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi đây ai cũng sẵn lòng giúp đỡ. Ở miền biên giới mang đặc điểm tiểu vùng khí hậu khó chịu bậc nhất này, trưa thì nóng như thiêu đốt, chiều mưa giông và sấm sét, tối lại lạnh buốt tay chân, nước da của các chiến sỹ như sạm xanh đi nhiều, chỉ có nụ cười là vẫn thân thương. Từ Đồn Biên phòng nhìn về phía Tây Nam, đỉnh Pu Xai Lai Leng nằm trong mây mù, mông lung và mịt mùng. 
 
Trung tá Hồ Thanh Quang - Chính trị viên Đồn Biên phòng kể: Nhờ đường tuần tra biên giời, bây giờ công tác tuần tra cột mốc trên đỉnh Pu Xai Lai Leng đã thuận tiện nhiều. Trước đây, mỗi lần tuần tra đường núi, tổ tuần tra ai cũng bay móng, sứt sẹo vì té ngã, chưa kể cái đói, cái rét, sên, vắt… trên độ cao này, nước chỉ nóng đến 80 độ là cùng, cơm nấu không thể chín. Bây giờ, đường tuần tra mốc đã thuận lợi nhiều, có thể đi bằng xe máy vượt 36 km là lên mốc 422 chỉ trong vòng 1 buổi thay vì 2 ngày trời cả đi lẫn về như trước.
 
Ngay dưới chân Pù Xai Lai Leng là dòng Nậm Khiên, nơi du khách có thể khám phá bằng xuồng cao su.
Ngay dưới chân Pù Xai Lai Leng là dòng Nậm Khiên, du khách có thể khám phá bằng xuồng cao su.
Khám phá Pu Xai Lai Leng không đơn thuần là leo lên một ngọn núi cao mà là phải tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân bản địa. Ngay dưới chân núi Pu Xai Lai Leng có 17/19 bản người Mông. Trong 17 bản đó, Buộc Mú là một bản cổ tiêu biểu với trên trăm năm lịch sử. Nơi đây vừa có những đặc điểm chung vừa mang những nét lạ riêng biệt. Đó là những mái nhà sa mu mang màu thời gian huyền hoặc, dưới mỗi nếp nhà là một thế giới riêng đầy bí ẩn của nhiều thế hệ... 
 
Được biết, đỉnh Pu Xai Lai Leng mới chỉ có 1 đoàn du khách duy nhất đã từng đến và chinh phục thành công. Đó là đoàn thiện nguyện do ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng Biên tập Báo Bạn đường dẫn đầu đã đến đây vào Tết Độc lập năm 2011.
 
Vượt qua những đoạn đường mòn, đồi núi trọc, Pu Xai Lai Leng đón chúng tôi với cánh rừng già, với những thân cây cao lớn rậm rạp, nhìn lên chỉ thấy le lói ánh mặt trời. Rừng ẩm thấp, rêu phong, nhiều kỳ hoa, dị thảo. Hệ thực vật của Pu Xai Lai Leng vừa mang tính chất nhiệt đới vừa mang tính chất ôn đời, vừa mang tính chất thường xanh, vừa mang tính chất rụng lá. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học tỉnh Nghệ An, ở khu vực Pu Xai Lai Leng đã xác định được 726 loài thực vật, trong đó có 270 loài dược liệu quý, cần được bảo tồn, khai thác và phát triển. Nổi tiếng và quý nhất chính là sâm Pu Xai Lai Leng (được đánh giá quý như sâm Ngọc Linh).
 
Xuyên qua cánh rừng, vượt núi cao, chúng tôi đã chạm mốc 422, cũng là đỉnh của Pu Xai Lai Leng, muôn dặm giang sơn thu vào tầm mắt. Có lẽ nơi đây chính là điểm tốt nhất ở xứ Nghệ để ngắm sao băng, đón mặt trời lên trong những ngày thời tiết tốt. “Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương”, lên Pu Xai Lai Leng như cảm nhận rõ hơn niềm tự hào về đất nước, về cha ông - những người lính Trường Sơn đã xẻ núi băng rừng lập nên những chiến công huyền thoại... Nhóm phượt chúng tôi ai cũng ao ước tìm được củ sâm Pu Xai Lai Leng, vẫn muốn có được một buổi sáng chào cờ nơi đỉnh “cực Tây” xứ Nghệ này. “Chuyến này xem như là thực địa. Lần sau em sẽ dẫn nhóm mình lên để có được những cảm xúc thiêng liêng…”, Thành Cường chia sẻ.
 
Những cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh ở Pù Xai Lai Leng.
Những cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh ở Pù Xai Lai Leng.
Ở đỉnh Pu Xai Lai Leng - nơi mà từ xưa tới nay, cả người Lào và người Việt chưa có ai đủ sức để khám phá hết dãy núi huyền bí, đã cảm nhận rõ hơn những sức sống mới. Dưới cánh rừng nguyên sinh, một vùng đất hoang vu, xa xôi, hẻo lánh đã được "đánh thức".
 
Những con người khai phá của Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Tổng đội Thanh niên xung phong 10 đã giúp cho cuộc sống người dân nơi đây thoát nghèo, ngày càng ấm no. Na Ngoi  đã trở thành vùng lương thực, vùng rau sạch của Kỳ Sơn nói riêng và Nghệ An nói chung. Ở Pu Xai Lai Leng không chỉ có sâm là quý; đó còn là rất nhiều loại đặc sản khác như chè Shan tuyết, bí đao, gừng, miến dong, gà đen, lợn đen nổi tiếng. Pu Xai Lai Leng đang chờ đợi du khách muôn phương...
 
Thanh Sơn-Baonghean.vn

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: [email protected]
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website