Chiều 27-10, thảo luận về Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm ( % ) trên khoản thu từ hoạt động khoáng sản được điều tiết cho địa phương ; chính sách bồi thường tái định cư, định canh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội của địa phương, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi do hoạt động khoáng sản...
Cho rằng quyền lợi của người dân, cộng đồng nơi có khoảng sản được khai thác, chế biến chưa được Dự thảo Luật quy định một cách cụ thể, chi tiết, ĐB Lưu Thị Chi Lan (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Dự thảo Luật cần tách thành một chương riêng và bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này. ĐB Lan dẫn chứng, trên thực tế, có tình trạng trong khi doanh nghiệp khai thác thì được hưởng lợi nhuận thì người dân nơi khoáng sản được khai thác, chế biến thường phải hứng chịu rất nhiều bức xúc về môi trường và các vấn đề xã hội như: đền bù tài sản, tệ nạn... điều này cũng gây áp lực lớn cho địa phương trong công tác quản lý; vì vậy cần có quy định phù hợp, điều hòa các mâu thuẫn phát sinh. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần có quy định bảo vệ môi trường vùng khai thác, chế biến khoáng sản; quy định khai thác, quản lý khoáng sản theo hướng hài hòa, bảo vệ môi trường; đặc biệt Dự luật phải quy định doanh nghiệp có trách nhiệm với địa phương nơi có khoáng sản khai thác thông qua hình thức ký quỹ, sử dụng quỹ bảo vệ môi trường...
Cũng liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với việc bảo vệ môi trường, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) mong muốn, cần quy định cụ thể trong luật trong trường hợp có sự cố về môi trường xảy ra. Dự luật phải quy định rõ trách nhiệm xử lý, giải quyết những vụ việc như vậy thuộc về cơ quan, tổ chức nào. Trong việc bảo đảm quyền lợi của địa phương và người dân, phải quy định rõ tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng góp đầu tư các công trình phúc lợi trên địa bàn. Ngoài ra, ĐB Hùng cũng cho rằng doanh nghiệp, tổ chức khai thác khoáng sản cần quan tâm hơn đến vấn đề chuyển đổi việc làm cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, tái định cư theo hướng sao cho việc làm mới, công việc mới phải bằng hoặc tốt hơn công việc cũ.
Quan tâm đến những vấn đề tác động của việc khai thác khoáng sản đến điều kiện tự nhiên, đời sống người dân, ĐB Tống Văn Thoóng (Lai Châu) đề nghị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có biện pháp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Theo ĐB Thoóng, việc khai thác khoáng sản thường ảnh hưởng lớn đến nguồn nước của người dân trong khu vực.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nêu vấn đề, có thực trạng, tại một số nơi tiến hành khai thác khoáng sản, trong khi người dân khu vực đó có đời sống khó khăn, thì các doanh nghiệp khai thác hưởng lợi nhuận cao. ĐB Tuyết cho rằng, cần quy định trong dự thảo Luật cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người dân địa phương. Đồng thời trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể quy chế sử dụng, quản lý nguồn thu này của địa phương vào các mục đích phục vụ cộng đồng. Thêm vào đó, trong trường hợp việc khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến sản xuất của người dân thì cũng phải có quy chế bồi thường hợp lý.
Không chỉ phải có trách nhiệm về những vấn đề môi trường, theo ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản còn phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa, duy tu đường sá trên tuyến vận chuyển khoáng sản khai thác. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp dù khai thác khoáng sản ở tỉnh này còn làm hỏng cả đường sá ở tỉnh khác do quá trình vận chuyển. Vì vậy, ĐB Thanh đề nghị Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác khoáng sản phải trích phần trăm lợi nhuận để hỗ trợ địa phương trong việc duy tu, cải tạo hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại trong quá trình khai thác.
Đề nghị giải thích từ ngữ chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần đi sâu làm rõ quyền lợi của người dân địa phương nơi khoáng sản được khai thác, chế biến gồm những gì; ví dụ như: quyền được tham gia khai thác, hưởng lợi từ khoáng sản; quyền yêu cầu cơ quan tổ chức thay mặt mình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản...
Trên một góc nhìn toàn diện hơn, ĐB Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) thì cho rằng, không chỉ có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khai thác, dự thảo Luật cũng phải quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương và người dân sở tại đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, có như vậy mới đảm bảo tính hài hòa giữa hai bên. ĐB Hà cũng đề nghị Dự thảo Luật có quy định bổ sung nguyên tắc tiết kiệm trong khai thác khoáng sản...
(Theo TTXVN)