Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về lĩnh vực tần số vô tuyến điện (thay thế mục 3 Chương II Nghị định 142/2004/NĐ-CP) với mức tiền phạt thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất tới 70.000.000 đồng.
|
Tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm và hữu hạn |
Việc xử phạt VPHC về lĩnh vực tần số vô tuyến điện đã được quy định tại mục 3 Chương II Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 8/7/2004. Tuy nhiên, các quy định này trong thời gian thực hiện đã nảy sinh một số bất cập và quy định còn chưa rõ ràng. Ngoài ra, có một số nội dung mới được bổ sung trong Luật Tần số vô tuyến điện nhưng hiện chưa có chế tài xử phạt khi có vi phạm.
Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo đã quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt đối với những hành vi VPHC như: Vi phạm các quy định về giấy phép và sử dụng tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định về chất lượng phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ; vi phạm các quy định về xử lý nhiễu có hại; vi phạm các quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh; vi phạm các quy định về chế độ báo cáo, không chấp hành kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng áp dụng đối với một số hành vi như: không khai báo, làm thủ tục xin cấp lại giấy phép khi thay đổi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc giấy phép bị mất, bị hư hỏng…
Bạn đọc có thể góp ý dự thảo Nghị định tại đây |
Mức phạt cao nhất 70.000.000 đồng sẽ áp dụng đối với một số hành vi như: Sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh, sử dụng băng tần không có giấy phép…
Thẩm quyền xử phạt
Nghị định số 142/2004/NĐ-CP mới chỉ quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Chánh thanh tra Bộ và Sở, tuy nhiên chưa quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm của Chánh thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện, điều này gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm.
Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo theo hướng quy định rõ: Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, Thanh tra chuyên ngành khác, UBND các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường là những cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC về tần số vô tuyến điện.
Đặc biệt, dự thảo đã quy định cụ thể thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Trong đó, Chánh Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện cấp Bộ có quyền phạt tiền đến mức cao nhất 70.000.000 đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm và hữu hạn, trong những năm qua, tần số vô tuyến điện đã và đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như thông tin di động, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, cứu hộ, cứu nạn… Việc ứng dụng tần số vô tuyến điện một cách hiệu quả có vai trò hết sức quan trọng góp phần phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng.
Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010 với nhiều nội dung mới mà trước đây chưa có hoặc chưa được quy định chi tiết.
Việc ban hành Luật đã tạo ra hành lang pháp lý cao nhất trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống, đồng thời đảm bảo việc thực thi một cách có hiệu quả thì việc ban hành Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện là hết sức cần thiết. |
Thanh Hoài-VGp