Để đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu KT - XH năm 2010 đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
|
Các thành viên Chính phủ có chung nhận định, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 30/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2010.
KT-XH phát triển tích cực nhưng vẫn còn thách thức
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh, cao hơn cùng kỳ của năm 2008 và 2009. Nhìn chung, cả nước thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 6,52%, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,40%, quý III tăng khoảng 7,16%).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng 13,8%, cao hơn so với kế hoạch cả năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn hán và bão lũ song sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh được kiểm soát.
Đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân ngày càng cải thiện, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở xã hội… được quan tâm và phát triển.
Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng luật, pháp lệnh, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng...
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả hàng tiêu dùng đang có dấu hiệu tăng và giá vàng tăng cao, đặc biệt là do áp lực tăng giá trên thị trường thế giới.
Trong tháng 9/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 6,46% so với tháng 12/2009, trong đó nhóm thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh có chỉ số giá tăng cao nhất (12,02%), do nhu cầu tăng mạnh phục vụ cho năm học mới. Như vậy, sau 6 tháng liên tục giữ được mức tăng chỉ số giá dưới 1% (trong đó có 5 tháng dưới 0,3%), chỉ số giá lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Những khó khăn nổi cộm khác là hạn hán gây ra nguy cơ thiếu điện trên diện rộng, sự chững lại của một số nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, và các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức cao.
Tập trung vào một số trọng tâm
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 03/NQ-CP; Nghị quyết số 18/NQ-CP và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ từ đầu năm.
Thủ tướng lưu ý, các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số trọng tâm, trước hết là tăng cường công tác bình ổn giá, tiếp tục quản lý một cách hợp lý giá một số mặt hàng đầu vào của sản xuất công nghiệp như xăng, dầu, điện, than…..
“Sắp tới nên tổ chức hội nghị toàn quốc để thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương cùng nhau triển khai kiểm soát có hiệu quả giá cả, kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm”, Thủ tướng gợi ý.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu phát triển và yêu cầu kiềm chế lạm phát; chủ động áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, giảm dần mặt bằng lãi suất tín dụng; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo hướng ổn định, phù hợp với các cân đối vĩ mô.
|
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số trọng tâm,
mà trước hết là tăng cường công tác bình ổn giá - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng cũng yêu cầu tích cực phát triển thị trường nội địa, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, triển khai đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao thị phần của hàng sản xuất trong nước.
Để đảm bảo điện cho sản xuất và tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai các biện pháp phát huy hết công suất các nhà máy điện hiện có, bảo đảm cân đối các nguồn điện cả trước mắt và lâu dài, đặc biệt chú trọng quy hoạch phát triển các nhà máy điện; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp tiết kiệm sử dụng điện…; thúc đẩy tiến độ thi công các dự án nhà máy điện; giá bán điện của các nhà máy điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam; rà soát và có cơ chế quản lý quy hoạch phát triển một số sản phẩm công nghiệp tiêu thụ điện lớn như xi măng, sắt thép…. Đồng thời, tiếp tục kiên trì tính giá bán điện cho hộ tiêu dùng theo nguyên tắc thị trường và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo.
Những giải pháp khác được người đứng đầu Chính phủ nêu ra, bao gồm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư cho các dự án; phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước cao hơn dự toán; thu hút vốn từ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng dưới các hình thức BOT, BTO, BT, PPP…; tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, có các chính sách kiểm soát nhập siêu hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; tăng cường các biện pháp nhằm tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy hải sản cho nông dân..
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan tổ chức tốt Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó chú trọng bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Thủ tướng nhắc nhở Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Việt Đông-VGP
Ảnh: Nhật Bắc