Đợt hạn nặng này đang làm cho “khoảng 400.000 hộ dân ở tỉnh Nghệ An” lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nếu những ngày tới không có mưa thì con số sẽ tăng lên. Gia súc cũng không có nước để uống, ông Trần Hữu Lực, Phó Giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An (ảnh) cho biết.
Tỉnh Nghệ An đã và đang làm gì để "giải khát" cho dân, thưa ông?
Ông Trần Hữu Lực (THL): Nếu không mưa thì ta phải đào, khoan giếng. Tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ người dân đào, khoan giếng công cộng, mức hỗ trợ sẽ từ 50- 70%, số còn lại do cộng đồng đóng góp.
Nhưng thưa ông, thực tế tại một số nơi, cả hai phương án đào, khoan đều không tìm thấy nước. Hoặc có những nơi gặp đá, không khoan xuống được. Tỉnh Nghệ An sẽ “chữa cháy” cho những vùng đó như thế nào?
Ông THL: Chúng tôi cũng đã tính đến phương án này rồi. Cụ thể là đối với các vùng miền núi dân cư ở xa các nguồn nước trên 2,5km và không có điều kiện đào khoan giếng, chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương huy động phương tiện chuyên chở nước giúp bà con đảm bảo nước ăn uống. Ngân sách hỗ trợ 50% chi phí chuyên chở nước với mức tối đa 5 lít/ngày/người.
Tỉnh Nghệ An hứa giúp người dân đào, khoan giếng.
Ông cho tôi hỏi, các nhóm giải pháp vừa nhắc đến đã được thực hiện chưa, hay mới chỉ là đề xuất kiến nghị ?
Ông THL: Việc đào giếng thì thực hiện rồi. Trung tâm nước của tỉnh đang triển khai khoan, đào ở vùng Hưng Phúc, Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên).
Riêng việc hỗ trợ chuyên chở thì mấy hôm nay người dân đang tự làm. Chủ trương này chúng tôi cũng mới trình, được tỉnh thông qua trong cuộc họp bàn chống hạn. Có chủ trương rồi thì thực hiện nhanh thôi. Ngày một ngày hai nữa thì tỉnh ban hành văn bản, lúc đó các địa phương sẽ có cơ sở thực hiện ngay.
Được biết Nghệ An có hơn 10.000/28.000 ha lúa có khả năng chết hạn. Thưa ông, ngoài việc cấp nước sinh hoạt tỉnh đã tính đến phương án cứu diện tích này như thế nào?
Ông THL: Đây là vấn đề rất nan giải không riêng của Nghệ An mà còn là của các địa phương khác trong vùng hạn hán. Hiện tại khoảng 600 hồ đập, sông suối ở địa phương chúng tôi đều đã khô kiệt nước. Chỉ một số hồ do các doanh nghiệp quản lý hiện còn một ít nước để duy trì tưới tiêu nhưng chắc chắn là không đủ vì số lượng không nhiều và mức nước trong hồ chỉ còn khoảng 30% dung tích thiết kế. Bây giờ mọi việc chỉ chờ vào thiên nhiên.
Đã có hàng trăm đất bị bỏ hoang như thế này trong đợt hạn nặng.
Như vậy thì lúa sẽ chết và khả năng xảy ra thiếu đói là khó tránh khỏi. Thực tế thì việc thay lúa bằng các giống cây như ngô, lạc, đậu xanh cũng không mang lại kết quả khả quan nếu nắng hạn vẫn tiếp tục duy trì vì chúng cũng là những giống cần có nước. Thưa ông, liệu có giống cây gì có thể bảo đảm an ninh lương thực cho người dân địa phương?
Ông THL: Cha ông mình từ xưa đến nay đã đúc rút kinh nghiệm “đất nào cây đó” rồi. Tuy nhiên thời tiết bây giờ cũng không giống như xưa nữa. Vấn đề anh quan tâm, thực tình lãnh đạo tỉnh, sở cũng đã nghĩ đến, nhưng nói thật là nằm ngoài khả năng của địa phương, nghiên cứu không dễ.
Tôi nghĩ có một giống cây ngắn ngày, chịu hạn tốt là đòi hỏi cấp bách. Nhưng đó là giống cây gì thì mong rằng các nhà khoa học và các trung tâm giống cây trồng sớm tìm ra để giúp người dân không chỉ trong mùa hạn này, mà còn khắc phục được tình trạng để hoang đất tại các vùng cao trong mùa nắng hạn.
Xin cảm ơn ông!
Sâu bệnh tấn công diện tích lúa còn lại
Nông dân Nghệ An đang phải vừa chống hạn, vừa chống sâu bệnh.
Vụ hè thu và vụ mùa 2010, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy trên 60 nghìn hec ta, trong đó có gần 28 nghìn hec ta đang bị hạn nặng, có khả năng mất trắng nếu không có mưa trong vài ngày tới.
Ở số diện tích còn lại, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, ông Lê Văn Thiền ngày 9-7 thì, hơn 37 nghìn hec ta lúa hè thu, và vụ mùa cuả tỉnh đang bị sâu cuốn lá nhỏ tấn công, trong đó có 18.032 ha nhiễm nặng, 14.928,5 ha nhiễm trung bình. Mật độ sâu phổ biến 40- 70 con/m2, nơi cao 150 - 250 con/m2, cá biệt có vùng mật độ lên sâu trên 300 con/m2.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã phát hiện triệu chứng điển hình của bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa ở thời kỳ đẻ nhánh tại 9/20 huyện: Yên Thành 982 ha, Quỳnh Lưu 420 ha, Diễn Châu 285,5 ha, Thanh Chương 204ha... Tỷ lệ cây bị hại phổ biến 1- 3%, nơi cao 10- 15%, cá biệt lên tới 40- 60%.
Ông Lê Văn Thiền nhận định, ngoài bệnh lùn sọc đen thì sâu cuốn lá nhỏ có khả năng gây hại rất lớn, đe dọa mất mùa. Bởi tuy không làm chết cây, nhưng sâu cuốn lá nhỏ sẽ ăn hết lá, làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Lúc đó cây sẽ yếu, cho năng suất thấp. |
Dương Quang Tiến Báo Nhân Dân thực hiện