9 tháng đầu năm 2022, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN (gọi tắt là BHXH) nhưng tình trạng, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, chiếm tỷ lệ 5,63% so với số phải thu BHXH Việt Nam giao. Trong đó, số nợ của khối doanh nghiệp có tỷ lệ lớn nhất với số tiền nợ 376.145 triệu đồng, chiếm 85,33% tổng số nợ.
Tình trạng nợ BHXH nói chung và nợ BHXH kéo dài tại các doanh nghiệp nói riêng không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhiều hệ lụy xảy ra bắt nguồn từ tình trạng này.
1. Đối với người lao động
Quá trình đóng BHXH của mỗi người lao động được cơ quan BHXH ghi nhận khi người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Thời gian tham gia BHXH của mỗi người là căn cứ để giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Mỗi chế độ của BHXH đều dựa trên căn cứ tham gia BHXH để xác nhận có đủ điều kiện để hưởng hay không. Do đó việc đơn vị nợ đóng BHXH cho người lao động ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, cụ thể:
- Người lao động không được giải quyết các chế độ BHXH kịp thời.
Việc giải quyết chế độ BHXH dựa theo nguyên tắc “Đóng – Hưởng”, đóng đến đâu, giải quyết đến đó. Khi đơn vị thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, thì trong 1 khoảng thời gian quy định, ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của đơn vị, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ BHXH cho người lao động khi người lao động không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trợ cấp BH thất nghiệp; giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất.
Ngược lại, tất cả các chế độ BHXH như trên đã nêu, người lao động chỉ được giải quyết sau khi đơn vị hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Trường hợp đơn vị đang nợ tiền đóng BHXH, khi người lao động nghỉ việc, cơ quan BHXH chỉ xác nhận đến thời điểm đơn vị hoàn thành đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Thời gian chưa được xác nhận do đơn vị nợ sẽ được xác nhận bổ sung khi đơn vị sử dụng lao động hoàn thành nghĩa vụ đóng của mình. Cụ thể:
Tại điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 Quyết định số 2089/VBHN-BHXH quy định: Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
- Quyền lợi KCB BHYT không được đảm bảo khi đơn vị nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên:
Ngoài việc các chế độ BHXH không được giải quyết kịp thời, theo quy định tại Điểm 2.3, Khoản 2 Điều 47, Quyết định số 2089/VBHN-BHXH: Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Doanh nghiệp nợ tiền BHYT có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
2. Đối với đơn vị sử dụng lao động.
- Ảnh hưởng tới uy tín, sự phát triển của đơn vị
Nợ đọng BHXH hiện nay đã và đang ảnh hưởng rất lớn đền quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng đến chính sự phát triển, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Thực tế, khi doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, sẽ dần dần tự rời bỏ để tìm đến những doanh nghiệp tốt hơn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động, phải tuyển lao động mới, tốn kém thêm nhiều chi phí để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
- Phải nộp tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.
+ Tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng và hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.
+ Tại điểm a, điểm b, Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN quy định:
a) Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.
b) Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng).
- Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật
+ Điểm a Khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
+ Điểm a Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
(Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 và Điểm a Khoản 7 Điều 39 nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 (hai) lần mức phạt đối với cá nhân);
- Có thể bị phạt tù theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là hành vi vi phạm pháp luật, gây nên những hệ lụy cho người lao động và ảnh hưởng xấu đến uy tín, sự phát triển của đơn vị. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đứng đầu doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT,BHTN, BHTN không những bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hỗ trợ đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; BHXH tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp và có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn: Rà soát rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị không hoạt động; Thực hiện phá sản, giải thể các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ kéo dài, ngừng hoạt động; Chỉ đạo các ngành Công an, Tòa án, Thi hành án… xử lý nghiêm các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, chiếm dụng tiền đóng của người lao động. Đề nghị các ngành (đặc biệt là Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) phối hợp với cơ quan BHXH tập trung công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH, các chế tài, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính, hành vi tội phạm trong lĩnh vực BHXH để nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin về số dư khả dụng các các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan BHXH tỉnh để việc cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính đạt hiệu quả./.