Thi công đường ven biển qua Nghệ An. Ảnh: Trân Châu |
Tầm quan trọng của PCI
Phải khẳng định rằng, PCI là công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh một cách sòng phẳng, vô tư; phản ánh trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp về các khía cạnh trong hoạt động điều hành kinh tế địa phương.
Kết quả PCI so sánh được với các tỉnh, thành phố và giúp thúc đẩy nỗ lực cải cách, trong đó có CCHC ngày càng tốt hơn. Với cộng đồng doanh nghiệp, PCI nâng cao vai trò giám sát của khu vực kinh tế tư nhân với hoạt động của chính quyền. Với các nhà đầu tư tiềm năng, PCI so sánh xếp hạng môi trường kinh doanh ở các địa phương, phục vụ cho các quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư.
PCI còn có tác động thúc đẩy các Chương trình và sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh. Loạt Nghị quyết 19/NQ-CP (từ 2014 đến 2018) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35 (2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; loạt Nghị quyết 02 (2019 – 2022) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Nghị quyết 139 (2018) ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và Quyết định 288 (2022) về khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đã chứng minh điều đó.
Khu nhà ở chuyên gia và công nhân ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Mỹ Hà |
Thấy gì từ PCI năm 2021 của Nghệ An?
Phương pháp luận xây dựng Chỉ số bắt đầu từ phiên bản đầu tiên của Báo cáo PCI vào năm 2005, các điều chỉnh được diễn ra định kỳ bốn năm một lần tại các năm 2009, 2013, 2017, 2021. Phương pháp luận mới của năm 2021 sẽ được tiếp tục duy trì từ năm 2022 – 2027. Sự thay đổi đánh giá năm 2021 về cơ bản hướng tới đánh giá kết quả trực tiếp do hoạt động điều hành của lãnh đạo tỉnh như ban hành chính sách, thủ tục, thay vì các chỉ tiêu biểu hiện môi trường đầu tư kinh doanh – là kết quả gián tiếp của hành vi điều hành. Nói cách khác, Chỉ số PCI 2021 thiên hướng đánh giá kết quả có mối quan hệ nhân quả trực tiếp của hoạt động điều hành của lãnh đạo/chính quyền tỉnh, thành thay vì đánh giá kết quả do nhiều bên mang lại.
Năm 2021, điểm số PCI của tỉnh Nghệ An là 64,74, chỉ tăng 0,01 điểm so với năm 2020, nhưng thứ hạng giảm 12 bậc (từ 18 xuống 30 trong Bảng tổng hợp xếp hạng Chỉ số PCI toàn quốc). Kết quả đó cho thấy, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, CCHC của tỉnh nhà còn nhiều điểm nghẽn và rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Nghệ An tổ chức hội thảo tìm giải pháp nâng cao thứ hạng PCI. Ảnh: Thành Duy |
Theo đó, trong khi Chi phí không chính thức của các địa phương tiếp tục xu hướng giảm do hoạt động phòng, chống tham nhũng đem lại những kết quả tích cực thì với các biến số mới, Nghệ An lại bị đánh giá khá thấp. Đặc biệt với 2 chỉ tiêu “chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục” và 5 chỉ tiêu mới về “chi phí không chính thức cho cán bộ” còn cao.
Ông Đặng Quốc Vinh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng cho rằng, mặc dù công tác CCHC của Nghệ An đã có nhiều chuyển biến nhưng chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục vẫn còn phổ biến ở một số sở, ngành nhạy cảm.
Thu hút đầu tư của Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều điểm sáng, đặc biệt là lọt vào Top 10 thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tỉnh có xu hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn để tạo động lực bứt phá cho sự phát triển chung. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chính quyền các địa phương trong nước tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân. Tính năng động của chính quyền có kết quả tốt nhất từ trước tới nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Nhân – Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp cho rằng, chủ trương từ tỉnh và các sở, ban ngành về cơ bản là rất quyết tâm, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các nhà đầu tư. Nhưng thực tế khi xuống đến cấp dưới, với những dự án nhỏ thì vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc mà không dễ gì xử lý trong một sớm một chiều.
“Công ty tôi có đầu tư một Dự án về nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Một phần do dịch bệnh, phần còn lại cũng do sự thiếu thống nhất giữa các cấp chính quyền và sự quan tâm từ phía chính quyền cấp huyện nên cho đến nay, Dự án vẫn đang… nằm trên giấy. Nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm làm bằng được, dù khó khăn, vì đó còn là danh dự, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và công ăn việc làm cho người lao động”, ông Nhân chia sẻ.
PCI năm 2021 của tỉnh Nghệ An còn có nhiều vấn đề, chỉ số quan trọng khác cần phải lưu tâm, xem xét: Lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng có thứ hạng áp chót với các chỉ tiêu đều bị đánh giá thấp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự vốn đã có thứ hạng thấp từ các năm trước, nay còn tụt thêm; Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất không những không được cải thiện mà còn lọt vào Top cuối…
Lời kết
Mặc dù công tác cải cách hành chính nói chung và thứ hạng PCI của Nghệ An nói riêng trong những năm qua có nhiều khởi sắc (ngoại trừ PCI năm 2021 bị giảm như đã phân tích ở trên), nhưng trên thực tế, còn những vấn đề chính quyền cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, cầu thị và khách quan. Điều đó cho thấy, nhiều điểm nghẽn, rào cản và bất cập trong công tác quản lý, điều hành đã và đang là những vấn đề lớn tác động đến niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Xin trích dẫn một nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI: Để tạo niềm tin hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, Nghệ An cần tiếp tục và tăng cường các hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp. Cùng với đó, từng bước xây dựng hình ảnh một chính quyền năng động, thân thiện nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả. Bên cạnh những nỗ lực đó, lãnh đạo tỉnh cũng cần chủ động tìm hiểu, tiếp xúc, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh trong khu vực.