Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự giám sát đặc biệt đối với thị trường SGK Ảnh: Như Ý |
Lo tình trạng “đi đêm”
Theo chương trình giáo dục hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) là đơn vị duy nhất xuất bản và phát hành SGK từ lớp 2 đến lớp 12. Theo chương trình mới, từ năm học này, có thêm 3 NXB tham gia thị trường, nhưng NXB GDVN vẫn ở thế thượng phong.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88) trong đó có nội dung “một chương trình, nhiều SGK”, năm 2019, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho năm học 2020-2021.
Trong đó có 4 bộ SGK đến từ các đơn vị thành viên của NXB GDVN, 1 bộ là sản phẩm kết hợp của NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TPHCM (bộ sách Cánh Diều). Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học này, cả nước có khoảng 1,7 triệu học sinh vào lớp 1. Thị phần của bộ sách Cánh Diều, bộ sách duy nhất nằm ngoài NXB GDVN, chiếm khoảng 30%. Khoảng 70% còn lại thuộc về 4 bộ sách trực thuộc NXB GDVN.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được bản thảo SGK lớp 2 của 4 NXB. So với SGK lớp 1, sân chơi đã có thêm 1 NXB nữa là NXB Đại học Quốc gia TPHCM. Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, quyền lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thuộc về UBND các tỉnh, thành phố. Như vậy, từ năm học sau, mỗi tỉnh, thành phố sẽ thống nhất 1 lựa chọn (có thể lựa chọn mỗi bộ sách một số môn), thay vì mỗi trường một lựa chọn như năm học này. Nhiều chuyên gia lo lắng, liệu có tình trạng “đi đêm” trong chọn SGK hay không khi chỉ còn 1 đầu mối thay vì hàng nghìn, hàng trăm nghìn đầu mối như năm nay.
SGK lớp 1 năm học 2019-2020 có giá 54.000 đồng/bộ (không gồm sách tham khảo). Giá SGK theo chương trình mới tăng đến 267%. Ngoài SGK môn học bắt buộc, các NXB cũng kê khai giá SGK tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ 45.000-99.000/cuốn. Thậm chí, bộ sách tiếng Anh lớp 1 của NXB ĐH Sư phạm TPHCM (1 trong 6 bộ tiếng Anh được Bộ GD&ĐT phê duyệt) có giá còn cao hơn 1 bộ SGK 9 môn của các NXB.
Tăng giá phải có lộ trình
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về quản lý giá SGK mới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết, việc triển khai Nghị quyết 88 đã có những ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia.
Vì được lựa chọn bởi nhiều nhóm tác giả nên có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, nội dung sách nên giáo viên, học sinh, phụ huynh có điều kiện chọn cho mình bộ SGK hay và phù hợp nhất để giảng dạy, học tập. Cũng vì được nhiều NXB tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, không còn dư luận về độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc Bộ GD&ĐT chưa ban hành 1 bộ SGK chuẩn, việc biên soạn, in ấn, phát hành và quyết định giá SGK thuộc về các NXB, đặc biệt trong bối cảnh thị trường SGK vẫn còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, các chi phí hình thành giá SGK do các NXB tự trang trải có thể dẫn tới việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu xã hội.
Việc triển khai SGK mới có mặt bằng giá cao hơn SGK cũ khoảng 2 lần (chưa tính yếu tố quy cách chất lượng khác như số lượng màu, chất lượng giấy in, số lượng cuốn sách...) đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng khó khăn.
Ông Tuấn cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá, đảm bảo công bằng giữa các NXB. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Theo ông Tuấn, Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thảo luận về việc bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá. Chính phủ đang chờ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai các công việc tiếp theo.
Thanh tra việc trang bị SGK, tài liệu tham khảo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi giám đốc các Sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Sở yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. |
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong