Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đến nay, các huyện, thành, thị ủy, đảng uỷ trực thuộc đều thực hiện kịp thời việc tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh uỷ về đại hội đảng các cấp, triển khai các bước chuẩn bị dự thảo văn kiện. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự được các đảng bộ đặc biệt chú trọng.
Đây là vấn đề "nóng" nhất. Các huyện, thành, thị ủy đang gấp rút tiến hành kiểm điểm và đánh giá cán bộ cuối nhiệm kỳ, gắn với xây dựng quy hoạch cán bộ A3. Đến nay, 20/20 huyện, thành thị uỷ, 8 đảng uỷ trực thuộc đã hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ A3. Một số huyện đã rà soát tình hình đội ngũ cán bộ cấp uỷ đương nhiệm và nguồn cán bộ cấp uỷ và quy hoạch cán bộ chủ chốt, chuẩn bị triển khai quy trình lấy ý kiến cấp uỷ đương nhiệm về nhân sự khoá mới.
Theo quy định, để đảm bảo tính kế thừa và phát triển, cấp uỷ các cấp đổi mới không dưới 1/3, tổng số cấp uỷ viên, cần có 3 độ tuổi trong cấp uỷ và thường vụ cấp uỷ, tỷ lệ cấp uỷ viên là nữ không dưới 15%, trong đó cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp uỷ, cấp uỷ viên trẻ (dưới 30) không dưới 15%, tỷ lệ cấp uỷ viên người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị.
|
Sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ về xã sẽ là nguồn cán bộ được chú trọng đào tạo bồi dưỡng |
Thực tế cho thấy, để tăng cường trẻ hoá đội ngũ cán bộ, trước hết các đảng bộ phải làm tốt công tác quy hoạch, trong đó có phát triển tạo nguồn cán bộ trẻ thông qua các kênh: Tiếp tục thu hút sinh viên về xã, qua nguồn bộ đội xuất ngũ, phát hiện từ hoạt động phong trào tại các địa phương. Từ đó, phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển đào tạo nguồn cán bộ kế cận.
Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 709 sinh viên về xã công tác. Số sinh viên này nếu phát triển tốt, tiếp tục đào tạo kiến thức quản lý Nhà nước và trình độ chính trị, bộ đội xuất ngũ đào tạo chỉ huy trưởng quân sự...
Điển hình như huyện Tương Dương đã ban hành Đề án luân chuyển và đã tăng cường 04 cán bộ huyện làm lãnh đạo chủ chốt các xã đặc biệt khó khăn cùng với việc xây dựng đề án thu hút 55 trí thức trẻ có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học về tình nguyện công tác tại các xã giai đoạn 2009-2020. Đây chính là nguồn cán bộ kế cận của huyện. Một điểm mới của tỉnh, đại hội lần này, trong cơ cấu không bố trí cán bộ nghỉ hưu, tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ trẻ phát huy.
Tuy nhiên, việc triển khai quy trình nhân sự, đặc biệt là ở cấp cơ sở gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo yêu cầu đổi mới 1/3 cấp uỷ và yêu cầu tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng chí Trần Đăng Khoa- Trưởng Ban tổ chức Huyện uỷ Quế Phong cho biết: "Nguồn quy hoạch A3 BCH nữ chiếm 20,3%, trẻ (dưới 35) chiếm 13%, dân tộc thiểu số là 56,5%; cơ cấu BTV nữ chiếm 18%, dân tộc thiểu số chiếm 59%. Nhưng tỷ lệ này ở các cơ sở rất khó đạt theo quy định.
Trong khi đó, trình độ cán bộ cơ sở các huyện miền núi còn hạn chế, một số cán bộ phải đưa vào quy hoạch nhưng chất lượng còn thấp". Bên cạnh đó, nhiều nơi còn lúng túng trong việc làm công tác tư tưởng, bố trí công tác phù hợp và thực hiện chế độ, chính sách đối với một số cán bộ không đủ điều kiện cơ cấu cấp uỷ hoặc tiếp tục giữ các chức vụ chủ chốt. Vướng mắc nhất là cán bộ không đủ tuổi cơ cấu cấp uỷ nhưng chưa đủ năm công tác và năm đóng bảo hiểm để giải quyết chế độ nghỉ hưu.
Một số cán bộ bệnh binh, hoặc thương binh (có tham gia đóng BHXH) không được cơ cấu tái cử giữ chức vụ chủ chốt nhưng không bố trí công việc khác phù hợp được. Số cán bộ cấp uỷ cấp cơ sở thường cơ cấu cán bộ đoàn, cán bộ khác gắn với chức danh cấp trưởng nhưng thường là nhiều tuổi, có nhiều năm công tác. Mặc dù nhiều huyện đã có chính sách quan tâm, đào tạo nguồn, trẻ hoá lực lượng cán bộ nhưng việc tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ là rất khó khăn.
Thanh Lê - Báo NA