|
Lễ hoàn táng |
Đúng 11 giờ 7 phút ngày 25.1.2010 (tức ngày 11 tháng Chạp năm Kỷ Sửu), Lễ hoàn táng Đức vua Lê Dụ Tông tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Lê Việt Nam tổ chức đã kết thúc trong bầu không khí nghi lễ trang trọng, thành kính và đầy cảm động.
Tảng mờ sáng ngày 25.1, đoàn xe tiễn Đức vua Lê Dụ Tông về nơi yên nghỉ vĩnh hằng chạm đất xứ Thanh. Mặc cho cái rét đậm kèm theo những cơn mưa phùn nặng hạt, người dân hai bên đường mòn Hồ Chí Minh đã đứng đón chờ. Khi chiếc xe chở linh cữu của ngài đi qua, người dân đứng ven đường thành kính chắp tay lạy tạ. Sau hơn bốn giờ liên tục di chuyển trên đường, đoàn xe đưa tiễn ngài đến xã Xuân Giang. Từ đầu xã, hai bên đường người dân đã tụ hội mặc cho làn mưa bụi phủ nhòa. Khi thấy bóng xe chở linh cữu trờ tới và dừng lại để chuẩn bị hướng về làng Bái Trạch, hàng trăm người dân từ cụ già cho đến những em nhỏ chạy đến với những nén tâm nhang thành kính bái lạy ngài. Nhiều người đã chạy bộ theo đoàn xe cho đến tận làng Bái Trạch.
Trên đường đi vào làng Bái Trạch, người dân hai bên đường như càng ngày càng đông hơn. Họ xếp thành dãy hai bên đường khấn vọng, trong số đó có hàng trăm em học sinh trong trang phục quần áo chỉnh tề cũng đứng nghiêm cẩn dõi theo đoàn xe đưa tiễn ngài. Nhiều cụ già còn lập bàn thờ ngoài trời khấn lạy ngài. Đúng 10 giờ kém 15 phút, xe chở linh cữu Đức vua Lê Dụ Tông về đến làng Bái Trạch, nơi mà cách đây hơn bốn mươi lăm năm người dân sở tại đã phát hiện mộ ngài. Lúc này, trời có vẻ như sáng hơn nhưng vẫn bao phủ những đám mưa phùn khá nặng hạt.
Bao xung quanh địa điểm làm lễ hoàn táng, hàng ngàn người dân địa phương đã đến tụ hội. Họ có thể đứng trên nóc nhà, cây tre để được nhìn thấy những hoạt động của buổi lễ. Trong bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam rước bát hương từ trên xe đến yên vị tại bàn thờ làm lễ. Tiếp sau là đoàn tiêu binh rước ngai kiệu.
Vòng hoa của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa mang dòng chữ kính viếng Đức vua và nhiều vòng hoa khác được xếp đặt bao quanh linh cữu ngài. Trước khi chính thức diễn ra buổi lễ hoàn táng Đức vua Lê Dụ Tông, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức và đại diện các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã dâng hương lên Nhà vua.
Sau những nghi thức trang trọng diễn ra, đội tiêu binh nâng chuyển linh cữu của ngài vào huyệt đạo. Đúng 11 giờ kém 5 phút, linh cữu của ngài đã yên vị. Tiếp đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng, Trưởng ban tổ chức Trần Chiến Thắng, đại diện cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam vào làm lễ bồi thổ. Theo quan sát của chúng tôi, lễ hoàn táng Đức vua Lê Dụ Tông đã kết thúc vào lúc 11 giờ 7 phút trong bầu không khí linh thiêng, trang trọng và thành kính đúng như kế hoạch đã đề ra.
Trước đó vài phút, thay mặt Ban tổ chức, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng đọc lời cáo kỵ nêu bật công lao, tài năng, đức độ của ngài. Bài văn có đoạn: “Sử gia Ngô Cao Lãng ở thế kỷ 18 có lời bình rằng: “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc, pháp độ được đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành. Có thể gọi là đời cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy”. Đức vua mất tháng Giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731). Đức vua được dâng Thụy hiệu là Hoa Hoàng Đế, Miếu hiệu là Lê Dụ Tông, táng ở Lăng Cổ Đô, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau dời đi táng ở Lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay thuộc thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Trải qua năm tháng thời gian, dấu tích của lăng mộ không còn”. Bài văn còn cho biết, hơn 45 năm qua, kể từ khi Đức vua được đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo và cho phép Bảo tàng Lịch sử VN thực hiện việc giữ gìn và trông nom thi hài Đức vua như một tài sản lịch sử đặc biệt quan trọng. Nay thể theo nguyện vọng của Hội đồng họ Lê Việt Nam và theo tập quán văn hóa truyền thống Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước đã cho phép hoàn táng thi hài nhà vua, sau khi Bảo tàng làm đầy đủ hồ sơ khoa học nhằm lưu trữ tài liệu cho việc nghiên cứu sau này.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đã bày tỏ lời cám ơn chân thành tới lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp, tạo điều kiện cho Bộ VHTTDL hoàn thành nhiệm vụ, đưa Đức vua về nơi yên nghỉ cuối cùng tại quê hương Thanh Hóa.
Trước đó, từ khoảng 22 giờ ngày 24.1 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nơi được giao nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản thi hài Đức vua Lê Dụ Tông, đã tụ hội đông đủ các quan khách và đại diện dòng họ Lê Việt Nam. Đúng 1 giờ sáng ngày 25.1, Ban tổ chức đã làm lễ nhập quan. Đến dự lễ quan trọng này có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Sau nghi lễ quan trọng này, các đoàn khách vào dâng hương trước ban thờ ngài. Đúng 3 giờ sáng cùng ngày, Ban tổ chức đã làm lễ di quan và đưa ngài lên xe chở linh cữu. Và đúng 3 giờ 30 phút, đoàn xe tiễn đưa ngài về nơi yên nghỉ vĩnh hằng bắt đầu xuất hành rời khỏi Bảo tàng Lịch sử VN. Nối tiếp sau xe chờ ngai vị, vòng hoa và thi hài Đức vua là hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau đi xuyên màn đêm không nghỉ và cũng không hề xảy ra một sự cố nào dù nhỏ nhất.
Ngay sau khi kết thúc buổi Lễ hoàn táng thi hài Đức vua Lê Dụ Tông, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức cho chúng tôi biết: Lễ hoàn táng Đức vua Lê Dụ Tông vừa kết thúc trong sự trang trọng, thành kính là một sự kiện rất quan trọng. Sau khi đưa ngài về nơi yên nghỉ vĩnh hằng đúng tại nơi phát hiện ra nhà vua cách đây hơn bốn mươi lăm năm, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị để con cháu mãi về sau đến thắp hương tưởng niệm ghi nhớ công đức, tài năng của Đức vua Lê Dụ Tông.
Lâm Sơn-Đình Dũng - Van hoa online