TP - Tiền Phong Cuối tuần số 30 (năm 2009) đăng bài báo "Máy bay made in Việt Nam ra đời từ gần 30 năm trước", trong đó đề cập đến ông Nguyễn Văn Phúc- một Việt kiều Pháp đã giúp nước nhà sản xuất máy bay.
Có dịp tìm hiểu về người Việt kiều yêu nước này, thấy những chuyện còn ít được biết...
|
Từ trái sang: Các ông Trương Khánh Châu, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Duy Tộ tại Toulouse |
Từ nhà thiết kế máy bay nổi tiếng...
Sau khi bài báo khởi đăng một thời gian, người viết gặp anh Nguyễn Lương Hòa, cháu gọi ông Nguyễn Văn Phúc là bác ruột, hiện ở 13 phố Hàng Vải (Hà Nội). Ngôi nhà 13 Hàng Vải cũng là nơi mà hơn 70 năm trước ông Phúc đã ở trước khi sang Pháp du học.
Còn cách đây hơn 30 năm, anh Hòa là một trong những người thân gần ông Phúc nhất khi ông về Việt Nam giúp nước nhà chế tạo máy bay.
Gặp anh Hòa, tôi được anh cho xem hồi ký của ông Phúc, trong đó ông ghi lại quãng thời thơ ấu của mình cho đến khi sang Pháp du học rồi làm việc tại đó.
Ông Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1916 tại làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) trong gia đình có 6 anh chị em. Khi cha mẹ không may mất sớm, mọi việc trong gia đình ông Phúc đều trông cậy vào bà Nguyễn Thị Mười - chị cả ông Phúc, và cũng là mẹ của GS-TS Hoàng Xuân Sính sau này.
Bám trụ ở ngôi nhà 13 Hàng Vải do cha mẹ để lại, bà Mười tiếp tục buôn bán để nuôi các em ăn học. Trong số anh em, ông Phúc học giỏi hơn cả.
Năm 1937, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông Phúc được sang Pháp du học và thi đỗ vào Đại học Hàng không Pháp. Ra trường, ông làm tại cơ sở sản xuất máy bay của tỉnh Toulouse, cơ sở sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất của Pháp.
Từng có thời gian du học gần chục năm tại Pháp, GS-TS Hoàng Xuân Sính nhớ những kỷ niệm về người chú ruột của mình. Bà kể: "Tuy là em ruột mẹ nhưng trong gia đình tôi quen gọi cậu Phúc là chú.
Năm 1951, tôi sang Pháp du học và ở nhà chú Phúc. Sau vài năm ở với chú, tôi chỉ biết ông làm trong ngành sản xuất máy bay bởi tính ông kín đáo, chẳng khi nào kể về công việc của mình.
Cho đến một ngày của năm 1955, vừa đi học về tôi được bà hàng xóm đưa cho xem tờ báo La Depeche của tỉnh Toulouse in hình chú Phúc khá to cùng máy bay Caravelle.
Bài báo cho biết Caravelle của Pháp là máy bay dân dụng đầu tiên trên thế giới mới được sản xuất do một kỹ sư Việt Nam phụ trách việc tính toán kết cấu.
Sau khi báo đăng, chú Phúc mới nói với mọi người trong gia đình là thời gian gần đây chú thường xuyên về muộn do phải ở đài quan sát theo dõi máy bay Caravelle bay thử.
Ông tâm sự với tôi: Làm máy bay nếu không tốt thì lỗ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la - nhưng điều đó cũng chưa bằng nếu xảy ra tai nạn khiến hành khách chết thì tổn thất còn lớn hơn nhiều...
Đến lúc đó tôi mới hiểu do trách nhiệm nghề nghiệp lớn quá nên chú Phúc ít muốn nói về công việc của mình".
Sau chiếc Caravelle, ông Nguyễn Văn Phúc tiếp tục tham gia thiết kế chế tạo máy bay Concord- máy bay phản lực siêu âm đầu tiên trên thế giới, sản phẩm hợp tác giữa hai nước Pháp và Anh.
|
Bà Andree Nguyễn - vợ ông Phúc bên máy bay TL-2 |
... Đến việc giúp nước nhà chế tạo máy bay
Sau giải phóng miền Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm một số nước, trong đó có Pháp. Tại Pháp, ông Nguyễn Văn Phúc có gặp Thủ tướng và đề xuất nguyện vọng được về thăm quê hương và giúp đất nước trong lĩnh vực hàng không. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi nhận nguyện vọng này.
Năm 1977, lần đầu tiên sau đúng 40 năm xa quê hương, ông Phúc trở về Việt Nam để thực hiện nguyện vọng giúp nước nhà chế tạo máy bay.
Chính phủ ta đã giao trách nhiệm nghiên cứu chế tạo máy bay cho Bộ Quốc phòng; và Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Không quân trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ này.
PTS Trương Khánh Châu, khi đó là Trưởng phòng Nghiên cứu của Quân chủng Không quân (sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ làm việc bước đầu với ông Phúc.
Ông Châu đã đưa ông Phúc đi tham quan hệ thống hàng không của ta từ Bắc tới Nam. Tham quan xong, ông Phúc nói: "Hệ thống hàng không của ta chỉ là sử dụng và sửa chữa, chưa có cơ sở chế tạo máy bay.
Tuy nhiên, có thể bắt đầu từ những cơ sở sửa chữa máy bay này để đi lên. Máy bay có nhiều loại, nhưng nên bắt đầu từ máy bay loại nhỏ, cụ thể là máy bay cánh quạt".
Sau cuộc làm việc trên một thời gian, Ban Thiết kế - Chế thử máy bay (thời kỳ đó gọi tắt là Ban X) được thành lập do ông Trương Khánh Châu phụ trách.
Quân số của Ban Thiết kế - Chế thử máy bay (TKCTMB) gồm một số phó tiến sỹ, kỹ sư được đào tạo về hàng không và hơn ba chục công nhân bậc cao.
Lúc này, ông Phúc trở về Việt Nam lần thứ hai. Lần trở về này, ông mang theo cuốn Định mức tính độ bền máy bay (FAR-25) và một chục máy tính cá nhân để cung cấp cho Ban TKCTMB.
Nhớ lại lần về nước này của ông Phúc, GS-TS Hoàng Xuân Sính cho biết: "Vào thời điểm này, chiếc máy tính cá nhân ở Việt Nam là rất hiếm. Thấy chú mang về khá nhiều máy tính, gia đình muốn có một chiếc để sử dụng, nhưng chú giải thích: Đây là số máy tính chú đã tính đủ để giúp những người trong nhóm nghiên cứu chế tạo máy bay phục vụ đất nước nên không thể bớt lại".
Sở dĩ nhắc lại chuyện trên để thấy sự nhiệt tâm của ông Phúc trong việc giúp nước nhà chế tạo máy bay. Tuy nhiên, nếu so giá trị của những chiếc máy tính cá nhân này với cuốn Định mức tính độ bền máy bay (FAR-25) mà ông Phúc mang về cùng thì chúng còn kém xa.
Bên cạnh đó, trong thời gian về nước, ông Phúc còn truyền thụ cho các thành viên Ban TKCTMB một số kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình về chế tạo máy bay.
Có thể nói, sự giúp đỡ này là rất quan trọng đối với những người được giao trọng trách chế tạo máy bay của ta trong những ngày đầu tiến hành công việc.
Sau một thời gian nghiên cứu, Ban TKCTMB bắt tay vào thiết kế sơ bộ, xác định hình dáng chiếc máy bay. Thiết kế sơ bộ xong, các ông Trương Khánh Châu và Nguyễn Duy Tộ đã sang Pháp gặp ông Phúc để tham khảo ý kiến.
Hai người sống tại nhà riêng ông Phúc ở Toulouse, hàng ngày trình bày với chủ nhân từng chi tiết trong bản thiết kế sơ bộ. Vì là lần đầu tiên làm công việc này, nên bản thiết kế không tránh khỏi khiếm khuyết nhất định.
Ông Phúc lắng nghe và góp ý rất cụ thể. Bên cạnh đó, ông Phúc còn giúp nhóm nghiên cứu trong khâu tính độ bền, một khâu quan trọng trong chế tạo máy bay mà ông rất am hiểu.
Đầu năm 1979, Viện Kỹ thuật Không quân (KTKQ) được thành lập do ông Trương Khánh Châu làm viện trưởng. Khi đó, Ban TKCTMB được chia thành Phòng Thiết kế máy bay và Xưởng Chế thử.
Sau khi bản thiết kế sơ bộ được bổ sung hoàn chỉnh, các cán bộ Viện KTKQ tiếp tục làm các khâu như thiết kế khí động, thiết kế kết cấu, thiết kế công nghệ và chế thử máy bay.
Tháng 7-1980, chiếc máy bay đầu tiên mang tên TL-1 (có tính năng trinh sát liên lạc) đã hoàn thành và chuẩn bị bay thử. Viện KTKQ mời ông Phúc về nước để dự lần bay thử này.
Ông Phúc nhận lời. Tuy nhiên, khi chạy trên đường băng, chiếc TL-1 bị rung rất mạnh nên không thể cất cánh. Sau ba lần thử, máy bay vẫn lặp lại tình trạng cũ.
Nhóm nghiên cứu tập trung kiểm tra nhưng sau hơn chục ngày vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Không thể ở lâu hơn được nữa, ông Phúc đành từ biệt nhóm nghiên cứu trở về pháp.
Vì lúc này sự giúp đỡ của ông Phúc trong việc chế tạo máy bay được giữ kín, nên trước khi đi, ông có hỏi sang Pháp rồi làm sao có thể biết kết quả bay thử ra sao.
Ông Trương Khánh Châu bèn thỏa thuận với ông Phúc một mật ngữ nói việc chế tạo máy bay là làm vườn, nếu đạt kết quả tốt thì gọi là năng suất, ngược lại là mất mùa.
Sau khi ông Phúc về nước, nhóm nghiên cứu tiếp tục kiểm tra nguyên nhân trục trặc của chiếc TL-1. Cuối cùng, tìm ra “thủ phạm” là càng máy bay. Do tập trung vào nhiều bộ phận phức tạp, nhóm nghiên cứu đã ít chú ý đến bộ phận giản đơn hơn là chiếc càng.
Nguyên nhân trục trặc được khắc phục. Ngày 25-9-1980, máy bay TL-1 bay thử thành công, đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử ngành hàng không nước ta khi lần đầu tiên Việt Nam chế tạo thành công máy bay.
Trong niềm vui này, ông Trương Khánh Châu không quên thông báo cho ông Phúc: Vụ làm vườn đầu tiên của chúng tôi đã đạt năng suất cao.
Trao đổi với Tiền Phong, Trung tướng Trương Khánh Châu cho biết: Những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục chế tạo thành công hai chiếc máy bay nữa là HL-1 và HL-2.
Sau mỗi lần chế tạo thành công, tôi đều báo tin cho ông Phúc về kết quả làm vườn.
Có thể nói, đóng góp lớn nhất của ông Nguyễn Văn Phúc chính là việc đã đưa ra ý tưởng về chế tạo máy bay cho nước nhà, để từ đó Việt Nam đã chế tạo thành công máy bay...
Ông Nguyễn Văn Phúc có vợ người Pháp là bà Andree Nguyễn. Bà từng về Việt Nam với chồng khi ông Phúc về nước lần thứ 2. Trong lần về nước mới đây, bà tâm sự với PV Tiền Phong: Sau khi ông Phúc mất (1995), năm nào tôi cũng về Việt Nam để thăm gia đình nhà chồng và tham gia các hoạt động nhân đạo. Tôi rất xúc động khi được đến xem và chụp ảnh bên chiếc TL-1 do người Việt Nam chế tạo năm xưa. Tôi tự hào chồng mình là người Việt Nam. |
Kiến Nghĩa