Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), TPHCM hiện là điểm nóng về dịch Zika khi có số bệnh nhân cao nhất cả nước. Nguyên nhân là do nơi đây có mật độ dân số đông, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao, nên dễ xảy ra dịch. Ngoài ra, TPHCM cũng đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nên dịch bệnh do virus Zika càng đáng lo ngại hơn, vì tác nhân truyền bệnh của hai bệnh này đều là muỗi vằn.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã giám sát, phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc virus Zika, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Trước diễn biến gia tăng của dịch bệnh do virus Zika, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Trước bối cảnh đó, Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC- Bộ Y tế) cho rằng cần hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.
Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng khẳng định, vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika.
PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho hay: “Việc khám thai phát hiện bệnh không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám. Phụ nữ mang thai cũng nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ. Tuy nhiên, tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1-10%”.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt). Nhiễm virus Zika chỉ tạo ra triệu chứng nhỏ, nhưng di chứng của nó rất khó lường. Ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai, gây ra dị tật đầu nhỏ, những nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa virus Zika với hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm virus, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.
Đi khám ngay khi có biểu hiện bệnh
Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây nhiễm virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày. Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu có phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.
Nguồn: Tiền Phong