Cũng dễ hiểu khi tâm lý ưa chuộng hàng ngoại đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đặc thù của đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thời kỳ bao cấp kéo dài nên ấn tượng về hàng nội chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.
Ngày nay, mặc dù hàng nội đã được nâng tầm lên đẳng cấp mới, bằng chứng là công nghệ hiện đại hơn, nhiều mặt hàng cũng đã xuất khẩu ra nước ngoài và được ưa chuộng nhưng người tiêu dùng vẫn có những nghi vấn đối với hàng Việt.
Vậy làm gì để người Việt dùng hàng Việt? Đây là vấn đề không mới, thậm chí còn là trăn trở của các doanh nghiệp. Trong thời buổi lạm phát tăng cao, hàng hoá sản xuất tồn đọng, sức mua thị trường nội địa cũng giảm sút mạnh.
Để cạnh tranh được với hàng ngoại, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm mà còn phải biết cách quảng bá, tiếp thị hình ảnh đến người dân.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược đưa hàng Việt về nông thôn để xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối và đã có những thành công bước đầu.
Hiện nay, nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” đã thực sự có chỗ đứng trên thị trường nội địa nhờ chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Đó là các mặt hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, thực phẩm chế biến từ rau củ quả của Vissan, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam suốt 13 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; thương hiệu may Viettien, Nha Be, HaNoiSimex; bánh kẹo Kinh Đô, Cafe Trung Nguyên…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thương hiệu được người tiêu dùng tin dùng trên lĩnh vực dệt may là sản phẩm của nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan. Nhờ thường xuyên nâng cao chất lượng, giá thành lại ổn định, đơn vị này còn biết cách mở rộng mạng lưới bán hàng, trong đó chủ yếu hướng đến tầng lớp bình dân.
Ông Chu Trần Trường - Giám đốc Công ty CP Nhà máy dệt may Hoàng Thị Loan chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng ở mức cao nhất để gửi đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao nhưng giá thành luôn vừa phải so với thu nhập bình quân hiện nay”.
Khác với chiến lược của sản phẩm dệt may Hoàng Thị Loan, là thương hiệu mới ra đời nhưng sản phẩm bánh kẹo của Công ty CP Bánh kẹo Quảng Ngãi Bicafun lại điển hình cho sự thành công nhờ làm tốt khâu quảng bá hình ảnh một cách trung thực.
Ra đời chưa lâu, nhưng sản phẩm của Bicafun đã có mặt khắp nơi trên toàn quốc và trên các phương tiện thông tin đại chúng, văn phòng kinh doanh của doanh nghiệp này có mặt hầu hết ở các tỉnh, trong đó có Nghệ An. Cùng với chất lượng được khẳng định, sản phẩm bánh kẹo Quảng Ngãi Bicafun đã nhanh chóng được công chúng đón nhận.
Để người Việt tin dùng hàng Việt, một vấn đề không thể xem nhẹ đó là cần phải đấu tranh quyết liệt với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường. Hàng chục nghìn vụ buôn bán vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng giả và vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện hàng năm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Điển hình cho vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh là “thương vụ” làm nhái sản phẩm ke chống bão Định Nhàn của Doanh nghiệp Hoàng Anh và một số doanh nghiệp khác.
Ke chống bão Định Nhàn là sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền cho Công ty TNHH Định Nhàn, nhưng vì lợi nhuận, các doanh nghiệp nói trên đã làm nhái sản phẩm, bán ra thị trường với giá thấp hơn để trục lợi.
Theo một điều tra viên của Phòng PC15 Công an tỉnh, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cần có sự đồng thuận của toàn xã hội. Các cơ quan chức năng cần bổ sung các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một vấn đề nữa cũng rất cần thiết để kích cầu tiêu dùng nội địa là cần phải “ưu tiên dùng hàng Việt”. Không chỉ đơn thuần kêu gọi mà mỗi cán bộ và từng người dân hãy đồng hành cùng doanh nghiệp bằng cách tự giác thực hiện phương châm ưu tiên dùng hàng Việt bằng cách xuất hiện trước công chúng với những chiếc xe, những bộ quần áo “Made in Viet Nam”. Như thế chính là yêu nước và quan trọng hơn là góp phần làm nên sự thành công của cuộc vận động.