Giá vàng thế giới vượt mốc 1.100 USD một ounce hôm 6/11 và đang tìm kiếm đỉnh cao mới. Giá trong nước còn tăng khủng khiếp hơn, vượt mốc 26 triệu đồng một lượng vào chiều 9/11 và vẫn chưa có dấu hiệu hãm đà tăng. Đáng chú ý, giá trong nước luôn bỏ xa giá thế giới, có lúc tới 1,2-1,3 triệu đồng mỗi lượng. Câu hỏi đặt ra là diễn biến thị trường vàng trong nước hiện nay có phản ánh chân thực cung cầu thị trường, hay chỉ là hành động thổi giá của giới đầu cơ.
Các chuyên gia và giới kinh doanh đưa ra nhiều lý do khác nhau khiến giá vàng trong nước tăng nóng những ngày qua, trong đó có 4 nguyên nhân chính.
|
Kỳ vọng giá còn lên cao nữa, nhiều người chen nhau đi mua. Ảnh: Hoàng Hà |
Trước hết là tác động từ thị trường thế giới. Thị trường vàng trong nước phụ thuộc nhiều vào thế giới, giá cũng được tính dựa trên giá thế giới cộng các khoản thuế và phí.
Giá vàng thế giới hiện vượt qua mọi dự đoán của các chuyên gia, mốc cản 1.071 rồi 1.100 USD một ounce đã bị phá vỡ. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ mua của IMF 200 tấn vàng với giá bình quân 1.045 USD một ounce. Nhiều người tin rằng 1.045 USD là mức chặn dưới khó có thể phá vỡ trong ngắn hạn. Khả năng Ấn Độ tính sai chỉ xảy ra khi Mỹ nâng lãi suất, đồng đôla tăng giá trở lại. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra vì tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức 10,2%, đồng nghĩa với việc lãi suất đồng đôla sẽ không tăng trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tiếp tục bơm tiền ra kích cầu. Giá vàng vì thế sẽ tăng cao.
Về lý thuyết, giá vàng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tài khóa của các nước và sức khỏe của các đồng tiền mạnh. Trong bối cảnh các nước phải bơm tiền cứu trợ và nhiều đồng tiền mất giá, vàng vẫn là kênh trú ẩn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Tuy nhiên, mãi lực trong nước là yếu tố quyết định, khiến giá có những bước nhảy ngoạn mục và vênh xa so với thế giới. Lực mua này đến từ những nhà đầu tư trót vay vàng giá thấp trước đó để bán, kỳ vọng giá xuống sẽ gom vào trả nợ, hưởng chênh lệch. Cũng không ít người từng vay vàng khi giá và lãi suất còn thấp để đổi ra tiền đồng kinh doanh, nay thị trường đi lên, ngân hàng gia tăng áp lực thu hồi nợ. Suốt thời gian từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho phép xuất khẩu vàng. Không loại trừ những trường hợp mạo hiểm vay vàng đem xuất khẩu, thu đôla về chờ thời cơ giá xuống để trả nợ. Bài toán vay vàng đi kinh doanh hoặc xuất khẩu với kỳ vọng giá xuống giờ trở thành gánh nặng với không ít nhà đầu tư. Khả năng giá vàng giảm trong ngắn hạn hầu như rất mong manh, vì thế các nhà đầu tư không còn cách nào khác phải mau chóng mua vào để cắt lỗ.
Theo tính toán của Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc, những ngày qua doanh nghiệp của ông bán "sướng tay", riêng thứ 6 và thứ 7 tuần trước bán ra vài tạ, gấp đôi ngày thường. Trong số này, một nửa là mua cắt lỗ, một nửa đầu tư tích trữ.
Nguồn cung trong nước khan hiếm cũng là nguyên nhân khiến giá vàng chỉ có tăng mà không giảm. Sau mấy tháng ròng rã xuất khẩu, trên dưới 70 tấn đã ra khỏi Việt Nam, gần bằng lượng nhập bình quân các năm trước. Thế nhưng từ tháng 6 năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép nhập khẩu vàng, với lý do nhập siêu cao, nguồn ngoại tệ ưu tiên cho nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Những đợt giá vàng lập đỉnh vừa qua, rất ít người đến bán, một phần vì kỳ vọng giá còn lên nữa và cũng vì nhiều người không còn vàng để bán. Nhiều doanh nghiệp đầu mối chỉ biết buốt ruột đứng nhìn cửa nhập khẩu vàng đóng im ỉm cho dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện nay quá lời. Họ than rằng nếu nhà nước linh hoạt cho nhập vàng vào thời điểm hợp lý, có lẽ bây giờ sẽ không phải mất 1 tỷ USD khi xuất hơn 70 tấn vàng với giá chưa đầy 1.000 USD một ounce. Bài toán cho xuất khẩu vàng để thu ngoại tệ, giảm nhập siêu, thậm chí tạo xuất siêu những tháng đầu năm giờ đang bộc lộ điểm yếu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn bám sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Song ai nấy đều hiểu, không dễ gì khiến cơ quan quản lý ra quyết định nhập vàng lúc này, vì nhập siêu vẫn lớn, trong khi dự trữ ngoại hối quốc gia sụt mạnh từ hơn 21 tỷ USD năm ngoái xuống dưới 17 tỷ USD năm nay, theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB).
Ngoài 3 nhân tố chính nêu trên, giới kinh doanh nói vui tỷ giá đôla là triều cường giúp đẩy giá vàng lên cao hơn. Trong khi đôla Mỹ mất giá trên thị trường thế giới thì ở Việt Nam lại tăng giá so với tiền đồng. Giá vàng bán trên thị trường tự do thường được các đầu mối quy đổi theo giá đôla (cũng là giá tự do). Vô hình chung giá vàng trong nước chịu áp lực kép từ tỷ giá.
Trong lúc này, các quỹ đầu tư nước ngoài thấy chứng khoán Việt Nam không tăng nhiều, vì vậy không loại trừ khả năng họ sẽ chuyển hướng sang vàng, nhất là khi nhìn thấy giá vàng trong ngắn hạn bị chặn dưới, khó xuống thấp. Giới kinh doanh vàng miếng nhận định, nếu không phải thu gom cho các quỹ, thì lực mua trong nước những ngày qua không lớn đến vậy.
Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc dự báo sau 20/11, thị trường thế giới có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh trước khi tiếp tục tăng cao trở lại. Tuy nhiên, ông Trúc cho rằng nhà đầu tư nên cảnh giác bởi đà tăng nóng của giá vàng trong nước những ngày qua một nửa là thật, một nửa là bong bóng, có sự thổi giá của giới đầu cơ.
Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam VGB Trần Thanh Hải cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng khi ra quyết định, bởi thị trường đang hết sức nhạy cảm, chỉ một lực mua hay lực bán rất nhỏ cũng tác động rất lớn tới thị trường.
"Những người có nhu cầu thực sự, buộc mua vàng trả nợ thì không nói làm gì. Nhưng với những người coi vàng là cơ hội đầu tư, cần tuân thủ chiến thuật, trong đó có việc cắt lỗ hoặc chốt lời khi giá vàng đi ngược sóng. Đặc biệt không nên đầu tư vàng dài hạn. Nếu có dư tiền cũng không nên mua vàng tích trữ vào lúc này", ông Hải nói.