Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm kinh đô Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội thống nhất với các Sở Du lịch Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế phối hợp xây dựng chương trình du lịch "Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam".
"Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam" là sản phẩm du lịch chuyên đề văn hoá - lịch sử độc đáo với quy mô trải dài trên một địa bàn rộng lớn và xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Tham gia chương trình này, du khách sẽ được khám phá những giá trị văn hoá - lịch sử đặc sắc của các kinh đô, cố đô Việt Nam đã được hình thành trên 10 thế kỷ như cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình (tồn tại trong 41 năm từ năm 868 đến năm 909 qua 2 đời vua Đinh - Tiền Lê); Kinh thành Thăng Long ở Hà Nội - nơi triều Lý định đô từ năm 1010 đến 1225; Thành nhà Hồ ở Thanh Hoá - nơi vua Hồ Quý Ly định đô từ năm 1400 đến năm 1407; Lam kinh ở Thanh Hoá - nơi triều Hậu Lê định đô từ năm 1428 đến 1527; Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An - nơi Quang Trung Nguyễn Huệ định đô từ 1788 - 1792; và Cố đô Huế - Kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, nơi triều Nguyễn định đô từ 1807 - 1945. Ngoài ra, du khách còn được thưởng ngoạn những cảnh quan kỳ thú, những di sản thiên nhiên độc đáo thuộc 8 tỉnh, thành trong chương trình.
Việc xây dựng và tổ chức chương trình du lịch này có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài giá trị nhân văn là ghi nhớ công lao của ông cha ta trong việc mở mang xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Đồng thời đây cũng là cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc ta. "Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam" sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt đây cũng chính là giải pháp có hiệu quả để phát triển du lịch khu vực vùng Bắc Trung bộ gồm những địa phương giàu tài nguyên thông qua sự liên kết với hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
"Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam" đến Nghệ An là đến với địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch: Vị trí nằm ở phần đầu vùng kinh tế Bắc Trung bộ, thuộc trục "hành lang đông Tây" rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, lại có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không khá thuận lợi và đặc biệt là khối lượng tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên độc đáo như Phượng Hoàng Trung Đô, bãi biển Cửa Lò, Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đặc biệt là Khu di tích Kim Liên cùng với hàng trăm di tích văn hoá vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hoá xứ Nghệ.
Hạt nhân của hành trình này tại Nghệ An là Phượng Hoàng Trung Đô. Thời gian qua tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện một số dự án phát triển du lịch gắn với di tích như: Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô, vọng đài trên núi Dũng Quyết, đền thờ Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, hệ thống đường ôtô, đường tắt bên sườn núi để phục vụ khách du lịch. Với những điều kiện trên, di tích Phượng Hoàng Trung Đô nói riêng, du lịch Nghệ An nói chung sẽ đóng góp vai trò rất quan trọng cho sự thành công của sản phẩm liên kết "Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam", tạo cho hành trình sự phong phú, đa dạng. Đồng thời, việc gắn di tích Phượng Hoàng Trung Đô trong chuỗi các kinh đô, cố đô của hành trình sẽ là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ cho Du lịch Nghệ An phát triển.
Bài, ảnh: Ngọc Thuỷ |