Đến giờ, cái địa chỉ phòng 1 nhà A3 vẫn là nơi lưu nhiều kỷ niệm của “bọn nhà tầng chúng tôi”. Đơn giản, nơi đó chính là cửa hàng thực phẩm của cả khu Quang Trung - nơi mà bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi xếp hàng từ nửa đêm, điểm hẹn của những chàng trai, cô gái mới lớn khu nhà tầng thời ấy.
Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi có hơn 1.000 hộ gia đình sinh sống tại khu nhà tầng, HĐND tiểu khu Quang Trung đã kiến nghị thành phố cho thành lập 1 cửa hàng thực phẩm tại đây.
Không lâu sau đó, cửa hàng thực phẩm đầu tiên được bố trí tại phòng số 1 và 3 nhà A3, ngay gần sân Cầu trượt. Chúng tôi - những đứa trẻ đầu tiên của “dân nhà tầng” được nếm những chiếc bánh nướng giá 2 hào/chiếc, mỗi lần xếp hàng được mua không quá 5 chiếc.
|
Tiệm tạp hóa trong ánh chiều. Ảnh: Thành Cường. |
Thời bao cấp, cửa hàng thực phẩm này bán đủ thứ, nào muối, nước mắm, rau muống, cá, thịt … Mỗi hộ nhà tầng được phát một cuốn Sổ mua hàng, mỗi lần bán người ta ghi vào để chống gian lận. Rau muống thì bán theo cân, mỗi ngày một hộ không được mua quá 2 cân, vui đáo để.
Rau muống được nhập từ các ruộng của Vinh Tân, vận chuyển bằng xe ba-gác về cửa hàng, mỗi ngày như thế chỉ vẻn vẹn có 2 xe. Phải tầm gần trưa rau mới về nhưng chúng tôi đã phải dậy xếp hàng từ 5 giờ sáng.
Nơi đây bán đủ thứ nhưng có lẽ xếp hàng mua thịt lợn vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất nên chúng tôi quen gọi nó là “cửa hàng thịt A3”. Đi xếp hàng mua thịt vừa là “cực hình” vừa là thú vui của những đứa trẻ Quang Trung thời ấy.
Thường thì 3-4 giờ sáng người ta đã lục tục kéo nhau đi xếp hàng, có bận lâu quá cửa hàng không có thịt để bán, biết tin mai thịt về, nửa đêm mọi người đã phải dậy. Ai xếp trước thường được miếng thịt tươi và ngon, xếp sau chưa chắc đã có phần, lại phải chấp nhận đầu thừa đuôi thẹo nên ngày nào cũng có cãi nhau, thậm chí là xô xát.
|
Tiệm cắt tóc ở nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Thành Cường. |
Ngày ấy, nhà nào có thẻ thương binh, gia đình liệt sĩ thì được ưu tiên. Ban đầu là ngồi xếp hàng nhưng ngồi lâu quá, phần thì chồn chân, phần thì muỗi cắn nên thay vì xếp hàng người, người ta thay bằng rổ, rá rồi bằng đá. Khu vực xếp hàng tối om, phải kiến nghị mãi người ta mới trồng một cột điện. Có ánh sáng, các ông già tranh thủ bày bàn cờ, mấy thầy cô giáo lôi báo ra đọc, cánh trẻ con chúng tôi rủ nhau chơi đánh đáo, chơi ô ăn quan.
Thường thì đầu giờ, cô mậu dịch viên béo ục ịch sẽ đến mở cửa, mọi người tranh nhau hỏi:
- Thịt nhiều không em?
- Có mỡ không cô? Tim cật có không chị?
- Mỗi người được mua bao nhiêu cân?
- Cô nhớ để cháu cái chân giò nấu cháo cho mẹ ốm.
Khi chiếc xe ba bánh nổ bình-bịch tiến gần đến cửa hàng là mọi người nhốn nháo cả lên, mọi hoạt động ngưng hẳn lại, tất cả nhốn nháo đứng vào hàng. Tiếng tranh giành chỗ, tiếng nạt nộ … ầm cả góc nhà A3. Những đứa nhỏ, nhanh chân chạy về nhà gào to:
- Mẹ ơi, thịt về…thịt về rồi!
Các bà xỏ dép, cầm vội đống tem phiếu, vừa đi vừa hô chuyền cho nhau:
- Bà con ơi, thịt về, thịt về…
Mỗi lần như thế, cửa hàng khu phố tôi được phân ba, bốn con lợn. Có đủ thủ, lòng, chân giò … nhưng mọi người thích nhất vẫn là mua được ít mỡ. Mỡ được róc riêng, rán lên để nguội cho vào các hũ thủy tinh dùng để xào, nấu rau ăn dần. Sau khi rán mỡ còn lại vài miếng thịt, các nhà thường kho mặn để liên hoan cho sự kiện lớn trong tháng, thường thì các ông bố, bà mẹ thường chống đũa dành cho con.
Thỉnh thoảng, nhất là dịp Tết, cửa hàng có hôm bán cá nước ngọt hồ Kẻ Gỗ hoặc cá biển. Những con trắm nặng hàng chục cân, thường bị khoét óc được đưa về bày bán thay thịt lợn, hôm nào hên cửa hàng còn bán cả thịt bò.
Cửa hàng thực phẩm cũng là nơi hẹn hò của các anh chị tuổi cập kê. Đến xếp hàng mua thịt, vừa có thời gian tâm sự, vừa làm được việc nhà lại không bị quản lý, đúng là một công, đôi ba việc. Tôi cũng có một anh chàng, không phải “dân nhà tầng” nhưng hễ biết tôi đi xếp hàng là lẽo đẽo theo sau. Những câu chuyện vu vơ tại cửa hàng thịt A3 sau này đã theo chàng suốt những năm du học nước ngoài. Nếu bên kia trời Tây, biết được tin ngôi nhà A3 bị phá bỏ, hơn ai hết chắc chàng buồn lắm bởi cửa hàng thịt đấy chính là điểm hẹn của 2 đứa một thời. Nhớ quá A3 ơi!
Phan Hảo-Baonghean.vn