Nói về công tác cán bộ, nhìn vào thấy rất dân chủ, nhưng thật sự đã tìm được người tài hay chưa còn là câu hỏi không phải dễ.
Nhiều ứng viên
Có người cho rằng chúng ta làm còn hình thức hơn là thực chất. Chẳng hạn như bầu cử. Tại sao chúng ta không dám đưa nhiều người để lựa chọn? Bầu một người nhưng danh sách có một thì còn bầu làm gì, có quá hình thức không? Chưa nói đến chuyện đưa người đó ra bầu cử đã có sự lựa chọn chính xác trước đó hay chưa?
Các tổ chức ngoài Đảng đã có những đột phá: giới thiệu nhiều người để bầu. Quần chúng có quyền lựa chọn những người xứng đáng. Đừng nghĩ quần chúng chỉ bầu theo cảm tính. Ngược lại, họ nhìn nhận rất biện chứng và khách quan. Ai làm việc tốt cho họ chắc chắn sẽ được bầu.
Ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương đã có lần đưa ra ví dụ “thế nào là Đảng lãnh đạo mà không áp đặt”.
Ông viết: Trong 19 điều đảng viên không được làm, có quy định đảng viên không được tự ứng cử. Ngày trước, Bộ Chính trị giới thiệu ông Đỗ Mười làm Thủ tướng, ra Quốc hội lại giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, ý kiến khác nhau, khi trình Bộ Chính trị cho phép cứ để 2 người, bầu ai thì người ấy được. Như bây giờ thì ông Kiệt phải rút nhưng lúc bấy giờ Bộ Chính trị quyết định để hai người, sau ông Mười hơn ông Kiệt mấy phiếu thì ông Mười làm Thủ tướng.
|
Dân chủ trong Quốc hội đã có những chuyển biến đột phá. Những phiên chất vấn công khai của Quốc hội được toàn dân theo dõi. | Vậy phải chăng ngày trước dân chủ hơn ngày nay? Có người cho rằng đảng viên rất khó được ứng cử vào các tổ chức chính trị. Lấy ví dụ cụ thể như bầu quốc hội. Trong khi những người ngoài Đảng được tự do ứng cử thì đảng viên, nếu không được tổ chức đảng giới thiệu, hoàn toàn không có quyền này.
Có người lập luận trong các tổ chức đảng cần phải dân chủ hơn bất cứ tổ chức nào. Đây là nơi tìm ra người tài để lãnh đạo nên cần phải tiên phong.
Chất vấn công khai
Hiện nay dân chủ trong Quốc hội đã có những chuyển biến đột phá. Những phiên chất vấn công khai của Quốc hội được toàn dân theo dõi, tạo nên không khí cởi mở. Vậy trong Đảng có cần làm như vậy? Bởi vì chính Đảng đã cử cán bộ của mình sang đảm đương những công việc chủ chốt trong chính quyền. Đảng cử sang thì phải có kiểm tra, chất vấn và báo cáo trước Đảng. Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra chất vấn chứ khi có vấn đề mới làm thì đã muộn, ảnh hưởng đến uy tín Đảng.
Rõ ràng những điều như đã nói ở trên trong tổ chức đảng, nhất là trong những cuộc họp của Đảng ở cấp cao nhất chúng ta chưa thấy. Đảng đã chất vấn công khai những người của Đảng khi phân công đảm nhận công tác chính quyền chưa? Chẳng hạn bí thư một tỉnh, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở địa phương, ai là người giám sát? Hội đồng nhân dân: không, đảng bộ tỉnh đó thì rất ít người dám phê phán, góp ý. Chỉ còn ở Trung ương. Vậy Trung ương có nên đưa những lãnh đạo tỉnh trả lời chất vấn công tác lãnh đạo ở địa phương không? Có dám chất vấn công khai không? Cả các bộ, ngành cũng vậy.
Đành rằng có những điều thuộc về nội bộ Đảng không cần thiết phải đưa ra quần chúng hoặc chất vấn công khai, nhưng những việc liên quan đến quốc kế dân sinh, đến lãnh đạo quần chúng thì cần công khai. Là ủy viên Trung ương, những việc mà người đứng đầu một bộ, một tỉnh làm tốt hay yếu kém đều cần được công khai cho quần chúng biết. Bởi suy cho cùng, việc Đảng cũng là việc dân, cái gì liên quan đến dân thì dân phải biết. Bác Hồ đã nói: Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác, cũng là nói điều đó.
Dân chủ trong công tác cán bộ cũng cần để cho mọi đảng viên lựa chọn những người lãnh đạo của mình. Ta chưa có điều kiện để các đảng viên bầu người lãnh đạo cao nhất, song dân chủ tập trung không có nghĩa là những đồng chí lãnh đạo cao nhất không được nghe ý kiến của đảng viên, không được biết ý kiến đảng viên nhận xét về mình thế nào. Nên chăng định kỳ lấy ý kiến đảng viên về sự tín nhiệm đó.
Lâu nay cứ mỗi kỳ đại hội Đảng, đảng viên bầu các đại biểu đi dự hội nghị các cấp. Bầu xong coi như nhiệm vụ hoàn thành. Sao không có cơ chế để giám sát những người mình bầu ra? Nhất là ở đại hội Đảng toàn quốc. Giám sát những người mình bầu ra vừa là trách nhiệm của đảng viên, vừa để những người được bầu thấy trách nhiệm trước Đảng.
Làm được điều này sẽ càng tăng thêm sự gắn kết giữa lãnh đạo cao nhất và đảng viên. Những ý kiến đóng góp của từng đảng viên chắc chắn sẽ làm cho Đảng thêm vững mạnh. Như Bác đã nói: "Muốn sửa chữa cho tốt, phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi".
|