Về những vấn đề liên quan đến việc chống sạt lở và khai thác quặng mangan của Công ty TNHH Bắc Sơn tại Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Lam Thành trên địa bàn xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, Báo Công an Nghệ An số ra ngày 26/8 có đăng bài “Có hay không việc tận thu khoáng sản tại Khu di tích Lam Thành”.
Nội dung phản ánh, lợi dụng việc khắc phục sự cố sạt lở tại Khu Di tích núi Lam Thành, đơn vị thi công chống sạt lở là Công ty TNHH Bắc Sơn đã tận thu khoáng sản, xâm hại nghiêm trọng đến Khu Di tích.
Núi Lam Thành tan hoang sau khi bị khai thác
Xung quanh vấn đề này, báo Lao động Nghệ An và báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cũng lần lượt cho đăng tải loạt bài của các tác giả Phan Xuyến Thanh Đồng, Vũ Toàn với các tựa đề “Lý do to hơn mục đích” và “Kiếm tiền trên di tích”.
Trước phản ứng của báo chí, ngày 1/10/2009, UBND huyện Hưng Nguyên đã tổ chức buổi họp báo để giải trình về những vấn đề mà các báo đã đề cấp đến.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Trần Xuân Trung, 5 vấn đề bức xúc nhất xoay quanh việc khai thác khoáng sản và khắc phục sự cố sạt lở núi Lam Thành đã được đưa ra mổ xẻ, đối chất. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là những sai phạm trong việc cấp phép khai thác mỏ trong vùng bảo vệ di tích ai sẽ chịu trách nhiệm và bao giờ sẽ hoàn thành xong vấn đề chống sạt lở núi Lam Thành thì vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Ông Trần Xuân Trung 'diễn giải' tại cuộc họp báo
Tham dự cuộc họp báo, ngoài UBND huyện Hưng Nguyên, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin Truyền thông còn có đại diện các Sở: Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương cùng Ban quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An là những đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cho phép khai thác khoáng sản tại khu vực núi Thành.
Đáng tiếc, người chịu trách nhiệm cuối cùng trong vấn đề tham mưu là ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Nghệ An và người ký quyết định trong việc cấp phép khai thác mỏ là ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lại không có mặt trong buổi họp quan trọng này.
Các vấn đề chính mà báo chí quan tâm đó là: Công ty TNHH Bắc Sơn khai thác quặng mangan có nằm trong vùng bảo vệ di tích hay không? Quá trình khai thác quặng của đơn vị này có phải là một trong những nguyên nhân gây rạn nứt núi Lam Thành?
Thứ nữa, việc không tổ chức đấu thầu mà chỉ định Công ty Bắc Sơn là đơn vị thi công chống sạt lở cũng như không quy định thời gian hoàn thiện công trình liệu có phải là một ưu ái thái quá, là “kẽ hở” để đơn vị này tận thu khoáng sản?
Giải trình về những vấn đề trên, đại diện cho phía những người có trách nhiệm, ông Trần Xuân Trung vẫn bảo lưu ý kiến, rằng 6 điểm khai thác quặng mangan tại núi Lam Thành của Công ty Bắc Sơn đã được Sở Tài nguyên Môi trường cũng như Ban quản lý Di tích Danh thắng và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch khảo sát kỹ lưỡng.
Tất cả đều nằm ngoài vùng bảo vệ của khu di tích. Cũng với lập luận tương tự, phía nhà chức trách cho rằng nguyên nhân gây sạt lở núi Lam Thành là do sự thay đổi dòng chảy của sông Lam và việc lấy đất đá để đắp đê 42 vào những năm 2000 trở về trước.
Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của nhà báo Vũ Toàn (báo Tuổi trẻ TP HCM), rằng các cơ quan chức năng đã xác định hai trong bốn nguyên nhân chính gây ra sụt lở núi Lam Thành là do lấy đất đá dưới chân núi và do các hầm khai thác quặng mangan từ thời Pháp thuộc. Vậy tại sao các đơn vị liên quan vẫn cấp phép cho công ty Bắc Sơn khai thác quặng ngay dưới chân núi, thì các ngành liên quan đều không tìm được câu trả lời.
Cũng vấn đề này, nhà báo Vũ Toàn lo ngại rằng, việc UBND tỉnh cấp phép cho công ty Bắc Sơn khai thác quặng trong thời gian 5 năm với trữ lượng 202.576 tấn trong khi hàm lượng quặng mangan ở đây chỉ chiếm 20% thì để khai thác được nhường ấy quặng, Công ty Bắc Sơn sẽ phải bóc đi một lượng đất đá khổng lồ dưới chân núi Thành? Điều này lẽ nào không ảnh hưởng đến sự rạn nứt và sụt lở núi?
“Chốt” lại vấn đề này, phía huyện Hưng Nguyên vẫn khẳng định tất cả các điểm khai thác mỏ đã được cấp phép không nằm trong khu bảo vệ di tích, chỉ đến khi các nhà báo viện dẫn sự thừa nhận “các điểm khai thác mỏ này nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hoá Lam Thành” của ông Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Nghệ An Nguyễn Văn Thanh và việc khai thác này chưa có sự xin phép của Cục Di sản (thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) thì những người có trách nhiệm mới ngã ngửa và hứa “sẽ xem xét lại vấn đề”.
Bàn thêm về điều này, cựu nhà báo Phan Xuyến Thanh Đồng tỏ thái độ: Trong cả hai lần quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hoá cho địa danh này (năm 1962 và 1997), Bộ trưởng Bộ Văn hoá (cũ) đã ghi rõ “công nhận di tích - lịch sử núi Lam Thành”, vậy nên khu vực bảo vệ di tích phải được hiểu là toàn bộ khu vực núi Thành chứ không phải chỉ những ụ súng, luỹ thành còn lại như ngày nay.
Trả lời chất vấn của Báo Công an Nghệ An về việc có hay không tận thu khoáng sản và liệu có quá nhiều ưu ái cho Công ty Bắc Sơn, ông Trung khẳng định: việc tận thu khoáng sản là có thật và đã được UBND tỉnh cho phép. Còn vì sao không tổ chức đấu thầu mà lại chỉ định thầu đơn vị thi công chống sạt lở là Công ty Bắc Sơn, ông Trung cho rằng Bắc Sơn là đơn vị vừa có tiềm lực về tài chính lại chuyên về khoáng sản.
Quá trình thi công chống sạt lở đơn vị này có nhiều thuận lợi trong việc tận thu khoáng sản. Cũng vì lý do chống sạt lở quá bức bách nên không nhất thiết phải đấu thầu, làm thế sẽ mất nhiều thời gian, gây nguy hiểm cho nhân dân trong vùng chống sạt lở.
Trong khi đó, nhà báo Giao Hưởng (báo Lao động) lại nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh văn hoá khi cho rằng: những người có trách nhiệm đang phá hoại và kiếm tiền trên di tích.
Từ khi được công nhận di tích đến nay, giặc Mỹ đã nhiều lần ném bom tàn phá Núi Thành nhưng sự tàn phá ấy cũng chưa khốc liệt và đau đớn bằng việc tàn phá hôm nay của những người vẫn được coi là có trách nhiệm với lịch sử.
Kết thúc buổi họp báo, có một điều khiến nhiều người quan tâm đến số phận của khu di tích này tạm yên lòng là động thái xin đóng cửa mỏ từ phía Công ty Bắc Sơn. Theo từ phía Bắc Sơn thì khoáng sản đã khai thác hết, không còn gì để khai thác thêm.
Tuy nhiên, về việc bao giờ thì Công ty Bắc Sơn hoàn thành việc chống sạt lở núi Lam Thành và trách nhiệm của các tổ chức cũng như cá nhân trong việc để xảy ra những sai phạm nêu trên vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.
Vậy nên, có lý khi nhiều người cho rằng, cuộc họp báo này cũng chỉ là cái cớ để trấn an dư luận, bởi một cuộc chảy máu vẫn đang diễn ra ở di tích lịch sử có tuổi đời trên 600 năm, gắn liền với những chiến tích của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh này.