|
Tượng đài đồng chí Lê Mao tại Thành ủy Vinh. |
Người chủ cửa hiệu xe máy và “di sản” gia đình
Người chủ cửa hàng sửa chữa xe máy là ông Lê Viết Tĩnh. Hỏi ông: Tại sao cửa hàng lại đặt tên Tịnh Điều, ông cười: “Tịnh là cách gọi của người Nghệ ta, còn Điều là đỏ. Làm ăn cần đỏ, cần may mắn”. Thế rồi từ đường Nguyễn Văn Trỗi ông dẫn tôi về nhà ở khối 10, phường Bến Thủy. Tại đây, ông Tĩnh cho biết, mình là cháu nội của liệt sỹ Lê Viết Cường, con trai của liệt sỹ Lê Viết Hoằng. Trong đó liệt sỹ Lê Viết Cường là Bí thư đầu tiên của chi bộ công nhân Nhà máy Đèn, tức Nhà máy điện Vinh. Chi bộ được thành lập ngay sau khi Đảng ra đời. Cùng với các chi bộ đảng khác trên địa bàn lúc bấy giờ, Chi bộ Nhà máy điện Vinh dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Bí thư Lê Viết Cường đã nhiều lần tổ chức đấu tranh với thực dân Pháp và tay sai, làm cho chúng phải hoang mang, khiếp sợ.
Với sự chỉ đạo của Chi bộ, công nhân Nhà máy Đèn đã hòa vào phong trào đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, ngăn không cho cai thầu đánh đập, đàn áp người lao động mà đỉnh cao là Cao trào Xô viết 1930 - 1931. Đêm 30 rạng ngày 1/5/1930 trong khi ông Lê Viết Cường đang bí mật họp bàn để chuẩn bị tổ chức cho công nhân bãi công thì địch phát hiện đàn áp. Đã có 5 người bị địch sát hại, trong đó có Bí thư Chi bộ Lê Viết Cường. Ông Lê Viết Tĩnh, cho biết vào năm 2007 khi gia đình cải tạo lại nhà ở thì bất ngờ phát hiện dưới nền nhà có 1 căn hầm nhỏ. Ông Tĩnh nói rằng, thuở nhỏ ông đã được bà nội và bố kể lại về căn hầm ẩn náu bí mật của ông Lê Viết Cường và những người đồng chí nhưng không biết đích xác ở đâu. Sau khi phát hiện ra căn hầm, ông Tĩnh tiếp tục giữ gìn nguyên vẹn cho đến hiện nay. Dẫn tôi vào xem căn hầm, ông Tĩnh khẳng định, đây chính là di sản của gia đình, của dòng họ có ý nghĩa giáo dục con cháu về sau. Mới đây, vào ngày 11/5/2015 vợ của ông Lê Viết Cường (tức bà nội của ông Tĩnh) là Nguyễn Thị Hai đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến cho đất nước.
Dòng họ của những người cùng chí hướng
Nhưng câu chuyện về gia đình ông Lê Viết Tĩnh chỉ là một “lát cắt” nhỏ về sự đóng góp của dòng họ Lê Viết trên quê hương cách mạng Bến Thủy. Trong quá trình tìm hiểu, góp nhặt các thông tin, tư liệu tôi đã có mặt tại bờ sông Lam, đoạn gần chân cầu Bến Thủy (cũ). Nơi này trước đây là khu vực Nhà máy gỗ Bến Thủy. Cách đây 84 năm khúc sông này đã chứng kiến sự hy sinh của 1 người con trung kiên của Đảng, đó là đồng chí Lê Viết Mao (thường gọi là Lê Mao). Theo các cứ liệu lịch sử cũng như lời kể của những người trong dòng họ Lê Viết: đêm 2/5/1931, khi đang bí mật hoạt động, bất ngờ đồng chí Lê Mao bị địch phát hiện và bắt giữ. Chúng tra hỏi, Lê Mao vờ trả lời là người làm của ông chủ Sarly.
Địch yêu cầu đồng chí Lê Mao dẫn về nhà chủ, trên đường đi, khi đến bến sông lợi dụng đêm tối ông đã nhảy xuống sông thoát thân, nhưng địch đã dọi đèn, dùng súng sát hại. Và xác thân người Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy đã hòa dòng sông Lam quê hương. Theo tài liệu lịch sử cho thấy, đồng chí Lê Mao sinh năm 1903 ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thủy), năm 14 tuổi ông đã là công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy. Năm 1925, Lê Mao tham gia Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1929, Lê Mao tham gia thành lập Công hội Đỏ Nghệ An, là Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy. Lê Mao là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp lãnh đạo và làm nên thắng lợi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 ở Vinh - Bến Thủy. Tháng 10/1930 đồng chí Lê Mao được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện còn lưu giữ một hiện vật đặc biệt. Đó là hồ sơ về Lê Viết Thuật hay còn được biết dưới nhiều tên khác như: Nguyễn Văn Mưu, Danh, Nhiên - một trong số đảng viên cộng sản có tầm ảnh hưởng quan trọng trong những năm 30 của thế kỷ XX. Hồ sơ này được Sở Liêm phóng của thực dân Pháp lập nên vào những ngày cuối cùng của năm 1931. Trong hồ sơ có một bức điện mật ghi: “Vinh ngày 7/12/1931. Ông Chánh Liêm phóng Trung Kỳ vừa trình bày tới thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn đồng chuyển tới khâm sứ Trung Kỳ ở Huế và Liêm phóng Huế. Lê Thuật, thành viên của Ủy ban Trung ương đại biểu Xứ ủy Trung Kỳ đã bị bắt với 2 phụ nữ giao thông 7h sáng nay do Sở Liêm phóng Vinh. Lê Thuật là trưởng rất quan trọng”.
|
Ông Lê Viết Tĩnh giới thiệu về hầm bí mật của ông Lê Viết Cường. |
Lê Viết Thuật sinh năm 1902, là con trai của ông Lê Viết Hiến, thoát ly tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Hiện nay trong dòng họ Lê Viết vẫn lưu truyền giai thoại ông Lê Viết Thuật nung đỏ đồng xu (có người nói lưỡi cày) rồi làm cháy sém mặt để che mắt sự phát hiện của kẻ thù. Lê Viết Thuật cũng rất nhiều lần cải trang thành người buôn cá, nước mắm để hoạt động cách mạng. Với vai trò Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Lê Viết Thuật được là một trong những người có ảnh hưởng lớn, là linh hồn của phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng ở Nghệ An vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.
Được sự giúp đỡ của ông Lê Viết Tĩnh, chúng tôi đã đến khu vực giáp ranh giữa khối 11 và 12 phường Bến Thủy (đoạn gần Trường Mầm non Bến Thủy - PV). Ông Tĩnh cho hay khu vực này xưa kia là mương nước, cây cối rậm rạp và chính là nơi ẩn náu của Bí thư Xứ ủy Trung kỳ - Lê Viết Thuật. Đó là giai đoạn cuối năm 1931 khi thực dân Pháp ra sức đàn áp, lùng sục, khủng bố một loạt cán bộ, đảng viên của Đảng bị bắt bớ, sát hại và tù đày. Một mình Lê Viết Thuật tiếp tục bám trụ địa bàn trọng điểm, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, chi bộ đảng ở Vinh - Bến Thủy và Xứ ủy Trung kỳ. Nhưng thật không may, ông đã bị lộ và bị giặc bắt ngày 7/12/1930, sau đó với khí tiết của người chiến sỹ cộng sản ông đã tuẫn tiết trong nhà lao.
Là 1 trong những dòng họ lớn nhất khu vực phường Bến Thủy, dòng họ Lê Viết có 6 chi (nay còn 5 do 1 nhánh khuyết con trai) thì Lê Mao thuộc chi 2, còn Lê Viết Thuật thuộc chi 5. Về tuổi đời 2 ông gần ngang nhau, về vai vế Lê Viết Thuật gọi Lê Mao bằng anh. Theo ông Lê Viết Tĩnh, dòng họ Lê Viết có nguồn gốc từ huyện Nam Đàn, di chuyển về Vinh từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Hiện nay dòng họ có 493 nam đinh và hàng ngàn con cháu. Và ở thời nào dòng họ Lê Viết cũng có con cháu đóng góp cho quê hương. Trong gia phả của dòng họ còn lưu danh 25 vị quan văn, võ thời xưa là những tấm gương sáng về đức độ, tài trí. Tại nhà thờ đại tôn của dòng họ hiện còn lưu giữ nguyên vẹn sắc phong của triều Nguyễn dành cho ông Lê Doãn Phòng - một vị tướng của triều đình có công lao trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sau khi mất, ông được phong tặng thần hiệu: “Cao Bá Doãn Phòng phù quốc mạnh đại tướng quân trung đẳng thần”.
Nối tiếp truyền thống của gia đình và dòng họ, con cháu dòng họ Lê Viết đã không ngừng nỗ lực phát huy những giá trị di sản của ông cha. Ông Lê Viết Tĩnh cho biết, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đến nay, ít nhất dòng họ Lê Viết đã có 5 người giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy. Ông Tĩnh bấm tay nhẩm tính: “Ông Lê Viết Yến, bà Lê Thị Đoài, Lê Viết Hiệu, Lê Viết Sâm, Lê Viết Miên. Cũng nỏ có chi ghê gớm nhưng cũng là sự đóng góp của con cháu cho quê hương”. Quả đó không phải là một “danh gia vọng tộc” mà trên hết là dòng họ có những đóng góp quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Lịch sử sẽ mãi ghi nhớ công lao của họ.
Ở Thành phố Vinh 2 con đường, 3 ngôi trường mang tên những người con ưu tú của dòng họ Lê Viết. Đó là Lê Mao và Lê Viết Thuật. Ngoài ra thành phố cũng có 1 phường mang tên người Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy: Lê Mao. Đây thực sự là niềm tự hào không chỉ đối với con cháu dòng họ Lê Viết mà còn có ý nghĩa đối với lịch sử phát triển của Nghệ An hôm nay.
Vân Nhi-Baonghean.vn