Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ tình thương yêu nhân dân lao động miền xuôi cũng như miền núi... Người dặn: "Đảng phải có kế hoạch kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân". Chính vì vậy, trong mỗi việc làm, Người đều nghĩ đến nhân dân và đã nói là làm, đã hứa là thực hiện. Câu chuyện thứ nhất: Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần Người ghé qua một bản người Thái, một cô bé trong bản nói với Người là em muốn có một chiếc vòng bạc.
Sau chín năm kháng chiến thành công, không ai ở bản đó còn nhớ câu chuyện về cô bé. Bởi chuyện đó quá nhỏ bé, khó có thể nhớ đối với một vị Chủ tịch nước với bao công việc khó khăn, bộn bề. Nhưng Người đã trở lại bản người Thái đó để thực hiện lời hứa của mình là tặng em chiếc vòng bạc đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.
Câu chuyện thứ hai: Có lần Người đã hứa với nhân dân một địa phương ở Việt Bắc là 2 giờ chiều hôm đó, Người sẽ đến thăm và nói chuyện. Cán bộ và bà con đã tập hợp ở hội trường đông đủ. Nhưng chiều hôm đó trời mưa rất to. Ai cũng bảo là Bác Hồ không thể nào đến được. Nhưng đúng 2 giờ chiều, Bác xuất hiện trong tấm ni lông và quần xắn đến đầu gối. Tiếng hoan hô như sấm dậy. Nhiều người đã chảy nước mắt...
Qua hai câu chuyện nhỏ này, ta càng thấy nhân cách vĩ đại của Bác. Lời hứa với một cháu nhỏ, lời hứa trước sự chờ đợi của nhân dân của một vùng núi, vùng sâu, cũng hệ trọng như lời hứa trước một dân tộc. Nhân cách vĩ đại của Bác, không chỉ đem lại niềm tin cho nhân dân trong nước mà cả nhân dân thế giới. Chính vì có niềm tin đó mà nhân dân ta đã không ngại hy sinh gian khổ, người trước ngã, người sau xốc tới để đưa non sông về một mối, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Minh Nho Nguồn: Báo Nghệ An |